Sáng 11/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
BAN HÀNH GẦN 13.000 VĂN BẢN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2023
Trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Chính phủ, đây cũng là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, nhiều khó khăn, thách thức, xuất hiện nhiều yếu tố phức tạp mới. Mặc dù, trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đạt được một số kết quả nổi bật. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát trong nước được kiểm soát; tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm trên 16%). Đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác, không nợ đọng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương báo cáo.
Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 2 Luật, 8 Nghị quyết của Quốc hội, 5 Nghị định của Chính phủ (và 6 Nghị định đã trình Chính phủ), 13 Thông tư, 17 Nghị quyết của Chính phủ, 5 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 6 Tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, 7 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác;.
Trong năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 5 quy hoạch vùng, 59 quy hoạch tỉnh, 1 Chương trình mục tiêu quốc gia, 4 dự án quan trọng quốc gia, 41 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 13.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại. Đó là khối lượng các đề án, báo cáo Bộ được giao thực hiện rất lớn nên vẫn còn có một số đề án, báo cáo hoàn thành chưa đúng hạn theo yêu cầu.
Một số đề án, báo cáo có nội dung phức tạp, liên quan tới nhiều lĩnh vực cần phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, nhưng việc trả lời góp ý, thẩm định của một số bộ, ngành lại chậm trễ cũng đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ, giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Bộ khác có lúc vẫn chưa được tốt, sự phối hợp trong tiếp nhận thông tin có lúc chưa nhịp nhàng, gây bị động, thiếu thông tin.
SẼ TRÌNH PHÊ DUYỆT 5 QUY HOẠCH VÙNG CÒN LẠI TRONG QUÝ 1/2024
Nhằm phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua, cũng như quyết tâm phấn đấu cao nhất mục tiêu, kế hoạch đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong khó khăn luôn có cơ hội nếu biết chớp thời cơ thì thách thức có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.
“Chính vì thế, toàn ngành xác định phương châm “Hội tụ trí tuệ - Hướng tới tương lai”, không chỉ thụ động nghiên cứu, tìm phương án ứng phó, mà phải chủ động nắm bắt thời cuộc, nhanh nhạy, linh hoạt và bản lĩnh để tranh thủ cơ hội phát triển, tìm ra hướng đi mới, động lực mới để hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2030 và năm 2045 Đại hội Đảng XIII đã đặt ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, với vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, triển khai nhiều cải cách, đột phá.
Để làm được những điều đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào 10 nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm Đổi mới và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.
Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, làm rõ vị thế, tầm vóc mới của nước ta sau những thành tựu đối ngoại lịch sử trong năm 2023; thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới và yêu cầu đặt ra để phát triển nền kinh tế nước ta “cạnh tranh, sáng tạo, tự chủ và hội nhập, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” đến năm 2030.
Thứ hai, tập trung triển khai ngay Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành hoặc hoàn thành cao hơn mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra để tạo tiền đề phát triển cho năm 2025 và cho cả giai đoạn phát triển 2021-2025.
Thứ ba, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.
Trong giai đoạn 2026-2030, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam), hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ tư, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô.
Thứ năm, hoàn thành và trình phê duyệt 5 quy hoạch vùng còn lại trong quý 1/2024; tham mưu, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã ban hành, tạo động lực, không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và tỉnh.
Thứ sáu, tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Thứ bảy, nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.
Thứ tám, tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Mục tiêu là để tận dụng xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Thứ chín, phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở các vùng, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; xác định và tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, có thể tận dụng, đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước.
Cuối cùng, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các thể chế, chính sách để cụ thể hóa các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…, cũng như các xu thế phát triển về đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo…