Trong những ngày hè oi bức này, cái nóng về thời tiết cộng với một loạt chuyện người dân bị “móc túi” đang làm bao người thêm… bức xúc hơn. Chuyện tăng giá thuê đất ở một số nơi còn đang sôi sục, thì trạm thu phí Cai Lậy đã thổi bùng câu chuyện xấu xí về các dự án BOT trong giao thông lên, rồi hai cái chảo đó lại được tiếp lửa bằng đề án sửa 5 thứ thuế của Bộ Tài chính.
Không thể đề cập đến tất cả những chuyện đó, tôi chỉ muốn nói đến VAT- câu chuyện đang nóng nhất- trong bài viết nhỏ này. Ba chữ viết tắt VAT làm tôi chợt bật ra câu hỏi: Vì Ai (mà) Tăng thuế? Vì Ai Thế? Ở một đất nước mà Nhà nước khẳng định là “của dân, do dân, vì dân”, thì rút cuộc tăng thuế VAT lần này là do ai, vì ai?
Theo giấy mời hỏa tốc của Bộ Tài chính, sáng 19/8 vừa rồi, tôi đến dự cuộc họp ở bộ để cùng một số chuyên gia tài chính nghe bộ trình bày những ý tưởng cơ bản và góp ý cho dự án luật đang được Bộ hoàn tất để trình Chính phủ, rồi Chính phủ sẽ trình Quốc hội, để sửa đổi 5 luật thuế ở nước ta.
Vì không phải là chuyên gia tài chính, tôi chỉ phát biểu 3 ý kiến với bộ về cách làm dự án luật này. Tại cuộc họp đó do thời gian rất có hạn, tôi chỉ nói vắn tắt, dưới đây tôi xin làm rõ 3 ý kiến này.
Vấn đề thứ nhất, với mục tiêu “cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” theo Nghị quyết số 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị mà Chính phủ và Bộ Tài chính lấy làm căn cứ để sửa các luật thuế, thì sẽ hoàn toàn không đủ nếu chỉ tìm cách để tăng thu như tinh thần dự luật này.
Ngân sách nhà nước luôn bội chi, nợ công đang tăng rất cao, đe dọa an toàn tài chính quốc gia, điều đó ai cũng biết.
Nhưng muốn cân bằng ngân sách, giảm nợ công, trước hết và trên hết Nhà nước phải giảm mức chi thường xuyên đang quá cao, chiếm tới trên 70% chi ngân sách, và thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chứ sao lại chỉ tính tăng thu thuế từ dân?
Nhà nước và DNNN đang quản lý và sử dụng những nguồn tài sản lớn nhất của đất nước. Tập trung nâng cao hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát trong sử dụng các nguồn tài sản đó, cùng với cải cách và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước là những cách cơ bản nhất và hoàn toàn nằm trong tay nhà nước để cải thiện đầu tư, chi tiêu công. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN, cải cách bộ máy nhà nước, nhưng kết quả thực hiện còn rất hạn chế, vậy thì phải thực hiện bằng được những chủ trương đó.
Không đặt mạnh vấn đề trách nhiệm của Nhà nước trong việc giảm chi, mà chỉ tập trung tăng thu của dân để đảm bảo ngân sách thì không được, không công bằng với dân.
Vấn đề thứ hai, tôi tán thành cách làm một luật để sửa 5 luật về thuế. Với cách làm này, Bộ Tài chính và nhà nước có thể tính toán lại, so sánh giữa các loại thuế hiện hành để điều chỉnh sao cho chính sách thuế được hợp lý, hiệu quả hơn, đảm bảo các mục tiêu quan trọng nhất của chính sách thuế (là định hướng sản xuất và tiêu dùng, điều tiết thu nhập, tạo nguồn thu cho ngân sách).
Để đảm bảo chất lượng, khi làm luật này cần phải có báo cáo đánh giá tác động, được thực hiện một cách độc lập, khách quan, để làm rõ tác động kinh tế-xã hội của việc điều chỉnh thuế. Báo cáo đó phải làm rõ bốn vấn đề: Chi phí và lợi ích từ việc điều chỉnh 5 loại thuế; Ai được lợi, ai bị thua thiệt từ sự điều chỉnh này; Có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề ngân sách so với tăng thuế không; Nếu vẫn cần điều chỉnh, thì điều chỉnh thế nào là tốt nhất cho tất cả các bên.
Nếu làm rõ 4 vấn đề này, tôi tin ta sẽ thấy:
Một là, chi phí cho tăng thuế là rất lớn, vì doanh nghiệp và người dân vốn đang chịu gánh nặng thuế, phí rất lớn rồi. Các điều tra cho thấy doanh nghiệp phải trả thuế, phí các loại lên tới khoảng 40% thu nhập của họ, còn người dân vừa phải chia sẻ gánh nặng đó cùng với doanh nghiệp (do doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành và giá bán ra thị trường), vừa phải cõng bao nhiêu khoản nộp trực tiếp khác ngoài VAT. Hệ quả giảm sút sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân do thuế tăng chắc chắn sẽ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn. Trong khi đó, lợi ích cho ngân sách do tăng thuế sẽ có, nhưng đồng thời sẽ có thể chỉ khiến các cơ quan nhà nước thêm… yên tâm tiếp tục xài tiền của dân, mà không có động lực cải cách để cải thiện hiệu quả chi tiêu, đầu tư công. Vậy là ngay với nhà nước đã “lợi bất cập hại”.
Hai là, Ai được lợi và ai bị thua thiệt khi tăng thuế? Người được lợi, như đã nói trên, rõ ràng là nhà nước, dù rằng “lợi bất cập hại” và cái lợi đó không bền vững do không nuôi dưỡng được nguồn thu. Người bị thua thiệt thì rất rõ là đông đảo người dân-“nạn nhân” trực tiếp nhất của tăng thuế VAT, và doanh nghiệp. Trong số người dân phải chịu hệ quả của tăng thuế VAT, thì người thu nhập thấp sẽ bị thua thiệt nặng nề nhất, vì tăng “chỉ” 2% thôi cũng đã là một mức tăng đáng kể so với thu nhập và chi tiêu của họ rồi.
Cũng cần nhớ tăng VAT là đánh trên tất cả những người tiêu dùng trong xã hội, kể cả người già và trẻ em đấy, vì bây giờ hầu như sản phẩm nào chẳng phải mua trên thị trường và chịu thuế VAT. Và đông đảo người lao động chưa kịp mừng do tăng lương cơ bản, thì đã lo giá hàng hóa các loại sẽ tăng lên, tiền tăng thêm chưa kịp vào túi đã bị móc có khi còn nhiều hơn.
Ba là, có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề ngân sách so với tăng thuế không? Rõ ràng là có, như đã nêu ở ý thứ nhất. Vấn đề là các cơ quan và cán bộ nhà nước có muốn làm không, hay lại coi tiết giảm chi tiêu, đầu tư công là “tự lấy đá ghè chân mình”, nên thích “ghè chân thiên hạ” hơn.
Ngoài ra, giảm những ưu đãi dành cho DNNN, bớt mức miễn giảm thuế quá nhiều cho một số dự án FDI, tăng thuế đánh vào các dự án kinh doanh bất động sản hay khai thác khoáng sản siêu lợi nhuận, cải cách việc hành thu để chống gian lận, thất thoát, tham nhũng về thuế cũng là những cách tốt để tăng thu, mà tổng mức thu tăng lên từ những việc này rất có thể còn lớn hơn tăng thuế VAT như dự kiến.
Bốn là, điều chỉnh thế nào là tốt nhất cho tất cả các bên? Với VAT, tốt nhất là không tăng, bởi thuế đó đã đủ cao, đã đóng góp rất lớn (27%) cho ngân sach, và nhất là thuế đó gây thua thiệt cho đa số dân cư. Phần VAT nhà nước thu thêm chắc chắn không thể bù đắp được cho việc mất lòng dân đâu.
Vấn đề thứ ba, Bộ Tài chính có đưa ra lập luận tăng thuế VAT vì mức thuế thông thường 10% của ta thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong khi đó, có những thông lệ quốc tế khác sao ta không học: Bảo đảm quyền của người nộp thuế được tham vấn về chính sách thuế liên quan, được thông tin và giám sát thu-chi ngân sách để yên tâm rằng tiền thuế của họ được sử dụng hiệu quả, công bằng, hợp lý;
Nhà nước phải bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về thu-chi ngân sách trước dân;
Phần lớn các nước có kinh tế-xã hội phát triển tốt đều có ngân sách được sử dụng hiệu quả, theo đó nhà nước với bộ máy gọn nhẹ, có năng lực và hiệu suất cao, chỉ tập trung đầu tư và tiến hành những công việc đúng với chức năng đích thực của mình, không “lấn sân” thị trường và xã hội;
Nền tảng kinh tế và mức thu nhập của dân cư các nước rất khác nhau và khác ta nên khó so sánh, chưa kể nếu chỉ so sánh với các nước có mức VAT cao hơn mà không so với các nước có mức VAT thấp hơn là không sòng phẳng;
Nguyên lý chung về điều tiết thu nhập trong chính sách thuế ở các nước là thu cao ở người giàu để bù đắp cho người nghèo, nhưng một số chính sách thuế ở nước ta lại đi ngược với nguyên lý đó.
Mong sao ba ý kiến trên của tôi, cùng biết bao ý kiến khác đã và đang được mọi người nêu lên sẽ được Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội xem xét, và câu hỏi "Tăng thuế VAT - Vì Ai Thế?" sẽ được trả lời trong luật thuế sắp sửa đổi.
Theo The Leader.vn