Cơ chế đặc biệt, trách nhiệm đặc biệt

Chiều 10-11, thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đã khẳng định sự cần thiết thành lập đơn vị hành chính đặc biệt, song nhấn mạnh, khi trao quyền hạn đặc
Cơ chế đặc biệt, trách nhiệm đặc biệt

Nhiều chính sách vượt trội

Vào những năm 80 thế kỷ XX, đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc) được xem như hình mẫu về sự cải cách với tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc: “Mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm một đại lộ”. Năm 2016, GDP của thành phố Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD. Trước sự phát triển vượt bậc của các đặc khu kinh tế, nhiều quốc gia đã xây dựng mô hình này và đạt nhiều thành tựu.

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những năm gần đây, việc khai thác tiềm năng tĩnh của nền kinh tế đang dần tới hạn và sức hút của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao sau 25 năm phát triển đã giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý một số đặc khu, khu công nghiệp, khu chế xuất... là tiền đề quan trọng để thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhằm phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế.

Quán triệt chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Chính phủ đã đề xuất xây dựng thể chế mới, chính sách vượt trội trên các mặt kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành. Tại các đơn vị hành chính đặc biệt, sẽ tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả trên cơ sở phân cấp, phân quyền mạnh; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại đây, sẽ xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi; bãi bỏ những hạn chế về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Chính phủ cũng đề xuất hai phương án về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Trong đó, phương án 1 là xây dựng chính quyền địa phương là thiết chế trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính. Phương án 2 là tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Mặc dù thiên về phương án 1, song Chính phủ cũng chỉ ra hạn chế của phương án này là các cơ quan chuyên môn và trưởng khu hành chính không phải là một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND nên có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.

“Đặc biệt”, nhưng không buông lỏng

Tại phiên thảo luận tổ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng luật là cần thiết. Nhiều đại biểu đề nghị nên đổi tên gọi "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" thành "Đặc khu kinh tế" để phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ nhiều vấn đề cần hoàn thiện tại dự án luật này.

Nhấn mạnh về nguồn nhân lực, đại biểu Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, luật cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực tại chỗ, sinh viên cũng như các chuyên gia giỏi đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần cơ chế thuận lợi, ưu đãi với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội) băn khoăn việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được chuyển nhượng, mua thêm, nhận tặng bất động sản tại các đặc khu kinh tế. "Ba đơn vị hành chính đặc biệt Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong đều ở những vị trí trọng yếu của đất nước. Nếu cho phép chuyển nhượng sở hữu với chủ đầu tư nước ngoài, cần cân nhắc vấn đề quản lý để bảo đảm chủ quyền quốc gia", đại biểu phân tích.

Về việc đầu tư, kinh doanh casino tại các đặc khu kinh tế, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu không xây dựng đặc trưng riêng của đặc khu kinh tế sẽ khiến cử tri hiểu rằng, việc thành lập các đơn vị hành chính đặc biệt là để hợp thức hóa việc phát triển casino, bởi trong dự thảo luật, cả ba đặc khu đều có điểm chung là hướng đến thành lập casino. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng phải có trách nhiệm đặc biệt. "Nếu không đi kèm trách nhiệm đặc biệt, dễ dẫn đến chính quyền địa phương sẽ có những quyết định sai về môi trường hay cấp phép vượt thẩm quyền", đại biểu khuyến cáo.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) băn khoăn, mô hình này có quyền rất lớn, nhiều quy định vượt quá khung pháp luật thông thường. Việc xây dựng quá nhiều ưu đãi tại đây đã thấy xuất hiện bóng dáng "thiên đường thuế", nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo cơ hội cho nạn rửa tiền, buôn lậu, vượt ngoài tầm kiểm soát...

Theo Tờ trình của Chính phủ, đơn vị hành chính đặc biệt: Vân Đồn sẽ phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, du lịch sinh thái...; Bắc Vân Phong sẽ phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, cảng biển..; Phú Quốc sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, hội nghị, triển lãm quốc tế, công nghệ sinh học...

Theo báo Hà Nôi Mới

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...