Cổ đông ABBank bức xúc vì ngân hàng không chia cổ tức, cổ phiếu chưa thể "cất cánh" trên HOSE

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 do ngân hàng ABBank tổ chức, các cổ đông đã bày tỏ sự bất bình khi ngân hàng không chia cổ tức, thị giá cổ phiếu không tăng và chưa thể niêm yết trên sàn HOSE. Ngoài ra, kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 cũng khiến cổ đông bàn tán sôi nổi...

abbank-5488.jpeg

Ngày 5/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank – mã chứng khoán: ABB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh năm 2024, phương án phân phối lợi nhuận, kế hoạch tăng vốn điều lệ và thay đổi nhân sự.

ĐẶT MỤC TIÊU LÃI TRƯỚC THUẾ 1.000 TỶ ĐỒNG

Tại đại hội, Hội đồng quản trị ABBank đã trình cổ đông mục tiêu kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 95% so với thực hiện năm 2023.

Về các chỉ tiêu khác, ABBank đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng tăng 13% lên 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngược lại, tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập theo kế hoạch được dự báo sẽ giảm xuống còn 13,66%.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, ABBank ghi nhận tổng tài sản đạt 161.977 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2022, tương đương với 118,4% kế hoạch 2023. Huy động từ khách hàng tăng trưởng 25,9% so với năm 2022, đạt 115.654 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 102.448 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2022. Trong năm 2023, ABBank cũng đã thực hiện tăng vốn thành công, nâng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.350 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 513 tỷ đồng, giảm 69,6% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,17%, đảm bảo dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phát biểu tại đại hội, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2023 sụt giảm do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao. Ngoài ra, trong năm qua, ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực để thực hiện chuyển đổi nâng cao hiệu quả hoạt động...

Kết quả kinh doanh không về đích như dự kiến, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank đã thay mặt ban lãnh đạo ngân hàng xin chịu trách nhiệm trước cổ đông do chưa thực sự sát sao với công tác lập kế hoạch, dự báo tình hình 2023 dẫn đến kết quả rất xa so với những gì đã trình đại hội đồng cổ đông.

Trong năm qua, ngân hàng vẫn có điểm sáng là tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập đạt 20,4%, tăng 12,3% so với năm 2022. Tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 11,07%, cao hơn so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là tối thiểu 8%.

Kết thúc năm 2023, ngân hàng ABBank thu về hơn 398 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 298,7 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là 1.542 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 1.840,7 tỷ đồng.

Trái với làn sóng chia cổ tức cao của các ngân hàng, Hội đồng quản trị ABBank đề xuất sẽ giữ lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Trước đó, trong năm 2023, ABBank đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.530 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, ngân hàng đều liên tục nâng vốn điều lệ trong 3 năm.

CỔ PHIẾU CHƯA THỂ NIÊM YẾT TRÊN HOSE

Bước sang phần thảo luận, các cổ đông của ngân hàng ABBank bày tỏ sự không hài lòng khi thị giá cổ phiếu ABB thời gian qua không tăng, đồng thời nêu lên thắc mắc về kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE.

Trả lời cổ đông, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank cho biết, đánh giá chung về điều kiện năm nay chưa thuận lợi để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Trong lộ trình 5 năm, ABBank đã đặt mục tiêu vốn hoá 3 tỷ USD. Kết quả này không chỉ là tăng trưởng hữu cơ của ABBank sẽ cần những cú hích như M&A hay gọi vốn. Để đạt mục tiêu này sẽ cần phối hợp niêm yết, cổ đông mới tham gia. Ngân hàng sẽ trao đổi lại với McKinsey để cùng ABBank triển khai lộ trình niêm yết này.

“Về giá cổ phiếu, chúng tôi cũng hết sức chia sẻ với quý vị. Tuy nhiên, chúng tôi không kiểm soát giá cổ phiếu ABB trên thị trường, không đánh lên để mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Mặc dù ai cũng muốn cổ phiếu tăng trưởng”, ông Kháng nói.

Chủ tịch ABBank cũng giải trình thêm, trong thời gian vừa rồi, bên cạnh một số ngân hàng lớn duy trì được kết quả kinh doanh thì ABBank vẫn là ngân hàng nhỏ, sức chịu đựng, cạnh tranh chưa cao, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. ABBank đã thuê tư vấn để nâng cao năng lực.

Về vấn đề phân phối lợi nhuận, cũng đã có cổ đông đặt câu hỏi “Vì sao không bỏ 1.800 tỷ đồng lợi nhuận để chia cổ tức?”, lãnh đạo ABBank đáp, ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng. Mong cổ đông kiên nhẫn. Đã xác định đi dài hạn thì phải chờ, muốn hái quả ngọt thì cần thời gian.

Về vấn đề tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ở mức rất thấp so với nhiều ngân hàng khác, ông Kháng cũng thừa nhận năm 2023 vừa qua là năm trũng trong hoạt động của ABBank, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh. Qua việc mời McKinsey, ABBank nhìn nhận thẳng là sự cạnh tranh của ngân hàng rất thấp.

“Họ phân tích, ABBank phải thay đổi toàn diện. Đó là quyết định dũng cảm của Hội đồng quản trị, là điều mà không phải ngân hàng nào cũng dám đối diện. Tôi cảm ơn cổ đông cho Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo ngân hàng có cơ hội, mong cổ đông kiên nhẫn để chúng ta hái quả ngọt hơn vì chiến lược thì không thể nhanh được, cần thời gian kiên trì. Chúng ta xác định mục tiêu dài hạn như vậy, phải đổi mới toàn diện”, lãnh đạo ngân hàng bộc bạch.

Ngoài ra, cũng có cổ đông đưa ra câu hỏi việc đặt mục tiêu lợi nhuận mục tiêu 1.000 tỷ trên tổng tài sản 170.000 tỷ có quá khiêm tốn không so với tiềm lực ngân hàng hay không?

Theo ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng Giám đốc ABBank chia sẻ, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng nhưng dự phòng vẫn ở mức 1.500 tỷ đồng. Do đó mục tiêu này không hề khiêm tốn.

Đại hội cũng thông tin về báo cáo thù lao và chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ABBank đã thông qua kế hoạch ngân sách chi thù lao Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát năm 2023 là 35 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do lợi nhuận năm 2023 của ABBank không đạt kế hoạch nên tổng thù lao, thù lao kiêm nhiệm cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát đã chi trong năm 2023 là 25,156 tỷ đồng, bằng 71,87% tổng mức thù lao đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Về kế hoạch, tổng mức chi thù lao và thù lao kiêm nhiệm cho Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Ban Kiểm soát năm 2024 là 35 tỷ đồng (giữ nguyên so với kế hoạch năm 2023).

Trường hợp lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2024 của ngân hàng vượt mục tiêu lợi nhuận được đại hội đề ra thì quỹ thưởng dành cho Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Ban Kiểm soát là 2% phần lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch.

Về vấn đề nhân sự, đại hội cũng thống nhất bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027. Cụ thể, ngày 18/1/2024, bà Phạm Thị Hằng đã có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân, hiệu lực kể từ thời điểm Đại hội đồng cổ đông thông qua miễn nhiệm.

Sau đó, căn cứ đề xuất của Ban Kiểm soát, Hội đồng quản trị ABBank đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc bầu ông Nguyễn Hồng Quang, hiện giữ chức cố vấn Ban Kiểm soát ABBank vào vị trí thành viên Ban Kiểm soát.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...