Cổ đông MB: Ngân hàng dường như đang “yêu” Novaland

Với việc cấp tín dụng và trái phiếu gần 10.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, các cổ đông MB đang cho rằng ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với Novaland...
Cổ đông MB: Ngân hàng dường như đang “yêu” Novaland
 Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB trả lời câu hỏi của cổ đông

Sáng 25/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB – mã chứng khoán: MBB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Tại đại hội, vấn đề về khoản tín dụng cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) được khá nhiều cổ đông quan tâm.

Điều này khá dễ hiểu, bởi theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Novaland, MB đang là chủ nợ lớn thứ hai với 9.428 tỷ đồng. Trong đó, ngắn hạn (150 tỷ đồng), dài hạn (3.100 tỷ đồng) và trái phiếu (6.178 tỷ đồng).

Một cổ đông MB cho rằng: “Riêng ngân hàng mẹ cho vay hơn 9.400 tỷ đồng. Nếu cộng cả thêm các khoản vay từ công ty chứng khoán MBS thì số tiền của MB Group cấp cho Novaland khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Tức chiếm hơn 22% vốn điều lệ hiện tại của MB".

Lẽ đó, vị cổ đông này đặt ra vấn đề: “Tôi thấy dường như MB đang yêu Novaland nên mới đồng ý cấp khoản tín dụng lớn như vậy. Chứ trong nhóm Big 4 tôi không thấy họ cho Novaland vay quá nhiều”.

Trả lời cho vấn đề trên, Phó Tổng giám đốc thường trực MB, ông Phạm Như Ánh chia sẻ, Novaland quả thật là đối tác lớn. MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên, MB đang quản lý đánh giá từng dự án cụ thể. Đồng thời, toàn bộ các dự án này, ngân hàng đều cho vay và quản lý tới nhà thầu và khách hàng cá nhân.

“Tính đến hiện tại số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Đặc biệt, doanh nghiệp này vẫn trả nợ gốc và lãi đều”, ông Ánh thông tin.

Chia sẻ thêm, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB cho biết, không chỉ Novaland mà toàn ngành bất động sản đang có vấn đề. Trong đó, vấn đề lớn nhất là pháp lý, vấn đề tài chính chỉ mang tính chất hậu quả. Hiện nay để có thể mở bán các thủ tục cũng kéo dài tới vài năm.

Mặt khác, đối với riêng Novaland, MB tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án. Tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng như cổ đông nói.

“MB kiểm soát tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 8% trong tổng cho vay. Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản bảo đảm, sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay”, ông Thái khẳng định.

Cũng theo ông Thái, một số dự án điện đóng điện chậm so với tiến độ dự kiến, lý do là thực hiện vào đúng giai đoạn Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ra thông tư cho nhóm dự án này tiếp tục triển khai. Và do mức giá điều chuyển bị giảm nên các nhà đầu tư đang chạy để có giá tốt hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư này đều là nhóm có tiềm lực tài chính mạnh, đã xoay đủ tài chính để thực hiện nghĩa vụ nợ với MB. Theo đó, ngân hàng đã cơ cấu và điều chỉnh phù hợp với các khoản này..

“MB không ưu tiên gì đặc biệt với Novaland. Chúng tôi không có đầu tư gì với Novaland”, ông Thái đặc biệt nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được các cổ đông quan tâm đó là việc nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém từ năm ngoái nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Theo đại diện MB, việc nhận chuyển giao bắt buộc đã được trình và thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Hiện MB đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình của Nhà nước thì thời gian định giá 11 tháng và đã bắt đầu từ tháng 3/2023. Vì vậy, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong. Khi đó, MB mới chính thức nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng đó được.

Sau khi nghe giải đáp của dàn ban lãnh đạo, Đại hội đồng cổ đông MB đã thông qua các tờ trình. Ngân hàng sẽ dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và việc thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm ngoái sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng lên 53.600 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 26.100 tỷ đồng, tăng 15%. Tổng tài sản ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng; huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm