Cổ đông thích cổ tức tiền mặt, BIDV “méo mặt” lo tăng vốn khủng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) dự kiến sẽ thực hiện 3 đợt tăng vốn điều lệ lên 38.632 tỷ đồng thông qua chia cổ tức và phát hành cổ phiếu ESOP. Đề xuất tăng vốn đã được đ
Cổ đông thích cổ tức tiền mặt, BIDV “méo mặt” lo tăng vốn khủng

BIDV đang trông chờ vào các đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng

Tăng vốn thêm 4.445 tỷ đồng

Ngày 22/4 tới đây, ngân hàng BIDV sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2017 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Theo tài liệu công bố trước cuộc họp, BIDV dự kiến sẽ trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn “khủng” để nâng vốn từ 34.187 tỷ đồng hiện tại lên mức 38.632 tỷ đồng. Mục tiêu tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, tạo nguồn mở rộng giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng, cải thiện các chỉ số an toàn vốn… nhất là trong bối cảnh các nhà băng đều chạy đua tăng vốn lớn.

Theo tờ trình, BIDV dự kiến sẽ triển khai 3 đợt tăng vốn với tổng vốn điều lệ tăng thêm là 4.445 tỷ đồng. Đợt 1: tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả 7%.

Đợt 2, BIDV sẽ phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với tổng giá trị 1.026 tỷ đồng. Hai đợt phát hành này sẽ thực hiện trong quý 2 -3/2017.

Đợt 3, ngân hàng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư với tổng giá trị 1.026 tỷ đồng, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Được biết, các kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2015-2016, HĐQT BIDV dưới thời Chủ tịch Trần Bắc Hà cũng đã đề cập tới kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng nguồn lợi nhuận và chào bán ra công chúng. Đơn cử, tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, ngân hàng đã đưa ra phương án tăng vốn điều lệ thêm 9.446 tỷ đồng thông qua phát hành ra công chúng (211,8 triệu cổ phiếu), phát hành từ thặng dư thoái vốn từ đơn vị kinh doanh và bán cổ phần công ty con (150,3 triệu cổ phiếu), trả cổ tức 8,5% (tương ứng 290,5 triệu cổ phiếu). Và BIDV cũng dự tính phát hành cho cổ đông hiện hữu 291,9 triệu cổ phiếu, trong đó Nhà nước sẽ tham gia mua bằng nguồn vốn ngân sách.

Đến nay, các phương án tăng vốn này vẫn chưa có động thái triển khai thực hiện, nên việc BIDV tiếp tục đề xuất tăng vốn trong kỳ họp này cũng khiến cổ đông nghi ngại khả năng thành công?

Bỏ ngỏ chia cổ tức

Các cổ đông BIDV hiện vẫn đang dõi theo vấn đề chia cổ tức năm 2016-2017. Vì trước đó, đề xuất của BIDV về việc chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 8,5%) để tăng vốn đã bị thất bại. Còn nhớ, kỳ ĐHCĐ năm 2016 đã thống nhất chia cổ tức bằng cổ phiếu, song dưới áp lực đòi cổ tức tiền mặt từ Bộ Tài chính, BIDV đã phải lấy ý kiến cổ đông và chốt chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 8,5%.

Do đó, dù đạt lợi nhuận trước thuế năm 2016 là hơn 7.700 tỷ, BIDV vẫn bỏ ngỏ khả năng trả cổ tức bằng cổ phiếu và/hoặc bằng tiền mặt, chỉ chốt tỷ lệ không thấp hơn 7%. Phải chăng BIDV vẫn lo ngại xảy ra tình huống như năm trước, sau ĐHCĐ Bộ Tài chính bất ngờ đòi chia cổ tức tiền mặt để thu hồi lợi tức hàng nghìn tỷ đồng về cho Ngân sách Nhà nước.

Năm 2017, BIDV đặt mục tiêu kinh doanh khá dè dặt, cụ thể: huy động vốn tăng 16,5%, tín dụng tăng trưởng không quá 16%. Lợi nhuận trước thuế ở mức 7.750 tỷ đồng. Phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 cũng tiếp tục chỉ dự kiến tỷ lệ cổ tức tối thiểu 7% và không thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, tương ứng số tiền 3.662 tỷ đồng, mà chưa rõ chia bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Trong khi đó, tại ĐHCĐ thường niên ngày 17/4/2017 vừa qua, Vietinbank đã chốt chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 7% bằng tiền mặt như năm 2015, tổng số tiền dự chia cổ tức là khoảng 2.606 tỷ đồng. Trước đó, Vietinbank cũng gặp tình huống “dở khóc, dở cười” khi ĐHCĐ đã nhất trí không chia cổ tức mà giữ lại lợi nhuận để tăng vốn. Song đến phút cuối, do Bộ Tài chính gây sức ép đòi chia cổ tức bằng tiền mặt nên Vietinbank đã phải biểu quyết lại để chia cổ tức bằng tiền mặt 10%.

Khả năng lớn là BIDV cũng sẽ thông qua việc chia cổ tức tiền mặt cho năm 2016 tương tự như Vietinbank.

Do đó, việc tăng vốn của BIDV hiện có thể trông chờ vào phương án phát hành ESOP và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư. Trong đó, giá cổ phiếu ESOP năm 2017 sẽ do HĐQT quyết định, đảm bảo nguyên tắc không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu tại thời điểm 31/12/2016.

Theo tờ trình, giá cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định theo phương thức thỏa thuận, có tính hấp dẫn so với giá giao dịch của cổ phiếu tại thời điểm chào bán, đảm bảo lợi ích tổng thể của BIDV và các cổ đông.

Ngoài 3 đợt phát hành cụ thể trên, HĐQT BIDV dự kiến trình ĐHCĐ thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi, phát hành trái phiếu chuyển đổi hay phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận còn lại./.

Nợ xấu BIDV vượt 14.429 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2016, tổng tài sản của BIDV đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 18,3%. Tiền gửi của khách hàng đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 28,7% trong năm qua. Cho vay khách hàng đạt 723 nghìn tỷ, tăng 20,9%. BIDV hiện dẫn đầu hệ thống về quy mô nợ xấu với hơn 14.429 tỷ đồng, tăng 43,5% so với đầu năm và chiếm 1,99% trên tổng dư nợ. 

>> BIDV sụt giảm mạnh lợi nhuận năm 2016 do trích lập dự phòng

Có thể bạn quan tâm