Cơ hội để Việt Nam trở thành "thánh địa chữa lành" của Châu Á

Trong những năm gần đây, thay vì đổ về các thành phố lớn bận rộn và tấp nập, nhiều du khách bắt đầu tìm đến những vùng đất hoang sơ, gần gũi thiên nhiên để trải nghiệm xu hướng “du lịch chữa lành”...

itt-show-blog-about-wellness01.jpg

Với nỗi lo gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm lý và thể chất, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chăm sóc bản thân đang trở thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trong bối cảnh nhịp sống hiện đại ngày càng gấp gáp, du lịch thông thường đôi khi đi kèm với sự mệt mỏi vì lịch trình dày đặc, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, áp lực chi tiêu và những trải nghiệm thiếu chiều sâu, chính vì vậy mà xu hướng “du lịch chăm sóc sức khỏe” (wellness tourism) đang nổi lên như một làn gió mới, biến mỗi chuyến đi trở thành cơ hội để chữa lành và tái tạo năng lượng toàn diện.

Trên thực tế, xu hướng này không chỉ thay đổi cách con người chúng ta tận hưởng một kỳ nghỉ đích thực, mà còn định hình lại tương lai của ngành công nghiệp du lịch toàn cầu.

LIỆU PHÁP CHO TÂM HỒN

Ngày nay, hàng triệu người đang rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng và mất kết nối với chính mình khi bị cuốn theo guồng quay công việc, cuộc sống và trách nhiệm xã hội. Do vậy mà “du lịch chăm sóc sức khỏe”, với trọng tâm là phục hồi cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc đã trở thành một xu hướng được cả thế giới yêu thích.

Theo báo cáo của tổ chức Mental Health UK, có đến 91% người trưởng thành cảm thấy căng thẳng ở mức cao hoặc cực độ trong năm 2023. Đặc biệt, người lao động từ 18 đến 24 tuổi là nhóm có xu hướng nghỉ việc vì căng thẳng cao nhất (35%), cao hơn nhiều so với nhóm trên 55 tuổi (10%). Thống kê từ CNBC cũng cho thấy gần một nửa (48%) người trong độ tuổi 18-29 cảm thấy kiệt sức, so với 40% ở nhóm trên 30 tuổi.

Trong hoàn cảnh đó, việc tận dụng kỳ nghỉ để phục hồi tinh thần không còn là lựa chọn xa xỉ mà trở thành một nhu cầu thiết yếu.

Theo một nghiên cứu từ tạp chí Forbes, du lịch chăm sóc sức khoẻ được gắn liền những hoạt động nhằm nâng cao thể chất, tinh thần và tìm đến với chiều sâu tâm linh của con người. Ngoài các hình thức phổ biến như yoga, spa, thiền, pilates, còn có những trải nghiệm độc đáo như "tắm rừng" (sylvotherapy), bootcamp dinh dưỡng, chữa lành bằng tiếng cười và thậm chí là yoga với thú cưng.

wellness-travel-nguon-cam-hung-moi-tu-du-lich.jpg
Thế hệ Z và Millennials hiện là lực lượng chi tiêu nhiều nhất cho du lịch chữa lành

Nhu cầu nghỉ dưỡng gắn liền với chăm sóc sức khỏe càng trở nên rõ nét, khi người dân chú trọng hơn đến chất lượng sống và tập trung phòng ngừa bệnh song song với điều trị bệnh. 94% du khách toàn cầu cho biết họ đã kết hợp các hoạt động chăm sóc bản thân trong hành trình du lịch và 59% lựa chọn những chuyến đi một mình để chữa lành tâm hồn, theo khảo sát của Forbes. Những trải nghiệm này được xem như cánh cửa mở ra không gian để khám phá nội tâm và tái kết nối với chính mình.

Câu chuyện mà Rosie, một nhà thiết kế 29 tuổi tại Amsterdam (Hà Lan) chia sẻ sau chuyến nghỉ dưỡng “yoga retreat” ở Morocco: “Tôi quyết định dành toàn bộ nghỉ phép năm chỉ để đi du lịch một mình, hoàn toàn ngắt kết nối với thế giới bên ngoài và có được cơ hội lắng nghe và thấu hiểu con người bên trong”.

Giống như Rosie, nhà văn Shannon, 34 tuổi, cũng đang cân nhắc thực hiện một kỳ nghỉ dài ngày ở châu Âu. Với cô, du lịch nghỉ dưỡng giờ đã trở thành một nhu cầu quan trọng để bản thân sống chậm lại và nuôi dưỡng tâm hồn.

CƠ HỘI VÀNG CỦA VIỆT NAM

wellness-tourism-market-2025-graph.jpg
Thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ (wellness tourism) dự kiến đạt giá trị gần 1.500 tỷ USD vào năm 2029

Dưới góc độ kinh tế, theo báo cáo của The Business Research, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu đã đạt giá trị 895 tỷ USD vào năm 2024, tăng hơn 25% so với thời gian trước đại dịch. Đây là lĩnh vực lớn thứ tư trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu, chỉ đứng sau làm đẹp, dinh dưỡng và thể chất. Dự báo, ngành có thể đạt ngưỡng 1.000 tỷ USD trong vài năm tới, đồng thời tiếp tục định hình lại kỳ vọng của du khách lẫn chiến lược vận hành của các doanh nghiệp trong ngành du lịch.

Sự lan tỏa của truyền thông mạng xã hội cũng góp phần thúc đẩy du lịch chăm sóc sức khỏe. Các hashtag như #wellnessretreat (nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ) hay #spiritualretreat (kỳ nghỉ tĩnh tâm) đã đạt hơn 33 triệu lượt xem trên TikTok và gần 600.000 bài đăng trên Instagram, khiến loại hình du lịch này không còn xa lạ với giới trẻ. Các KOL và người nổi tiếng cũng bắt đầu chọn nghỉ dưỡng trị liệu như cách thể hiện phong cách sống mới và truyền cảm hứng tới cộng đồng.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên như một điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế nhờ vào các cảnh quan thiên nhiên đa dạng cũng như các giá trị văn hóa lâu đời. Theo báo cáo từ Knowledge Sourcing Intelligence LLP, châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng dẫn đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ nhờ di sản y học cổ truyền phong phú và tôn vinh việc chữa lành thể chất - tinh thần - tâm linh. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nhất hiện nay.

dap-xe-0924.jpg

Về mặt chiến lược, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam đầu tư bài bản vào du lịch chăm sóc sức khỏe, từ khâu đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu quốc gia, đến tạo ra các sản phẩm độc đáo gắn với bản sắc văn hóa. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu ngành du lịch mà còn góp phần lan tỏa lối sống lành mạnh, bền vững trong cộng đồng.

Theo Viện Sức khỏe Toàn cầu (GWI), bất động sản là phân khúc phát triển nhanh nhất trong số 11 lĩnh vực của nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn diện trong 6 năm qua, tăng vọt từ mức 225,2 tỷ USD vào năm 2019 lên 438,2 tỷ USD vào năm 2023.

Việt Nam cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy của một loại hình mới, đó là bất động sản chăm sóc sức khỏe (wellness real estate). Đây chủ yếu các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và khu dân cư được thiết kế để tối ưu hóa sức khỏe người sử dụng, từ chất lượng không khí, ánh sáng tự nhiên cho đến tiện ích thư giãn.

Những mô hình nghỉ dưỡng tích hợp trị liệu bằng y học cổ truyền, thiền định trong rừng thông, detox với thực phẩm hữu cơ tại vùng cao nguyên hay yoga bên bờ biển… đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam, đặc biệt tại các địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và Phú Quốc.

Rõ ràng, du lịch chăm sóc sức khỏe không chỉ là một xu hướng nhất thời mà sẽ trở thành một phần cốt lõi của ngành du lịch hiện đại. Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nào biết tích hợp và triển khai những yếu tố phong cách sống vào dịch vụ, sản phẩm và trải nghiệm, sẽ nắm trong tay chìa khóa để chinh phục trái tim những du khách thế hệ mới. Đặc biệt, Việt Nam, với vẻ đẹp thiên nhiên và chiều sâu văn hóa, có cơ hội vàng để trở thành “thánh địa chữa lành” hàng đầu của châu Á.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Người giàu thường ưa chuộng những trải nghiệm vượt ngoài giá trị vật chất và họ cũng tìm kiếm những không gian giúp nuôi dưỡng và chữa lành tâm hồn

Giới nhà giàu thích ăn gì, chơi gì, ở đâu?

Những xu hướng du lịch đang thịnh hành trong giới nhà giàu, phản ánh sự chuyển hướng từ những chuyến đi xa xỉ vật chất sang tìm kiếm những trải nghiệm sâu sắc và cá nhân hóa...

Bắc Giang: Nơi ca dao kể chuyện một vùng quê thanh bình

Bắc Giang: Nơi ca dao kể chuyện một vùng quê thanh bình

Bắc Giang không chỉ là quê hương của nhiều anh hùng dân tộc mà còn là vùng đất “sơn thủy hữu tình”, nơi núi non trùng điệp, sông suối len lỏi và những làng quê thanh bình hiện hữu giữa mênh mông ruộng đồng...