
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Câu ca dao quen thuộc ấy không chỉ khắc sâu hình ảnh một vùng đất bất tử trong lòng người Việt là tấm bản đồ văn hóa thu nhỏ, gợi mở một hành trình khám phá miền biên viễn Lạng Sơn. Đây vùng đất hội tụ vẻ đẹp của thiên nhiên, lịch sử và chiều sâu tâm linh.
Phố Kỳ Lừa, núi Tô Thị, chùa Tam Thanh là ba địa danh gắn bó sâu sắc với đời sống văn hóa của người dân Xứ Lạng, ngày nay đã trở thành những điểm đến tiêu biểu, vừa cổ kính, vừa sống động trong hành trình du lịch miền Đông Bắc.
KHÁM PHÁ PHỐ KỲ LỪA - LINH HỒN CỦA ĐẤT CHỢ BIÊN VIỄN
Nếu Hà Nội có phố cổ, Hội An có chợ đêm bên sông Hoài thì Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa – trái tim của vùng đất Đồng Đăng. Nằm ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn, phố Kỳ Lừa từ bao đời nay là nơi buôn bán sầm uất, là điểm giao thương quan trọng giữa người Việt và các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.
Phiên chợ Kỳ Lừa từng là một trong những điểm đến quan trọng của các thương nhân Trung Hoa, của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Kinh… Chính vì vậy, nơi đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là điểm hội tụ, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc. Từ trang phục, ngôn ngữ đến ẩm thực, Kỳ Lừa trở thành nơi “thể hiện” bản sắc sống động của cộng đồng miền biên.

Ngày nay, chợ Kỳ Lừa vẫn giữ được nét mộc mạc và bản sắc truyền thống. Người dân địa phương bày bán đủ các mặt hàng, từ vải vóc, thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ cho đến các loại thuốc bắc, hàng nông sản địa phương… Đặc biệt, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bà, những mẹ người Tày, Nùng mặc váy áo sặc sỡ, trò chuyện rôm rả giữa khung cảnh tấp nập mà thân tình.

Không chỉ là nơi “giao thương”, phố Kỳ Lừa còn là điểm du lịch văn hóa đặc sắc, đưa du khách đi ngược dòng thời gian về với nếp sống xưa của người dân biên giới.
NÚI TÔ THỊ
Khi đặt chân đến Lạng Sơn, thật là một thiếu sót lớn nếu du khách không đến với núi Tô Thị, nơi gắn liền với một truyền thuyết cảm động đã đi vào tâm thức bao thế hệ. Trên đỉnh núi, giữa thiên nhiên hoang sơ, tảng đá lớn với hình dáng người mẹ bồng con đứng vững chãi giữa trời xanh đã trở thành một biểu tượng bất hủ về người phụ nữ chờ chồng đi chinh chiến đến hóa đá.

Dù được hình thành từ đá núi qua thời gian, hình dáng giống người mẹ bế con của khối đá trên núi Tô Thị đã gợi lên trong lòng bao thế hệ sự xúc động và kính trọng. Từ một hình tượng tự nhiên, dân gian đã gửi gắm vào đó bao tầng lớp ý nghĩa: tình yêu, sự chờ đợi, lòng trung trinh son sắt và nỗi đau chiến tranh chia lìa đôi lứa.
Núi Tô Thị thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Ngọn núi này nằm trong quần thể dãy núi đá vôi phía Tây Bắc của tỉnh. Không chỉ là một thắng cảnh độc đáo, nơi đây còn là một biểu tượng tinh thần. Đó là hình ảnh của hàng ngàn người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ: kiên cường, chịu đựng, sống thủy chung trong đợi chờ.
Ngày nay, dưới chân tượng nàng Tô Thị, người ta đặt những bát hương thể hiện lòng kính trọng của người dân dành cho nàng. Nhiều người đến đây còn cầu nguyện và mong ước những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống và tình yêu của mình.
CHÙA TAM THANH
Cách núi Tô Thị không xa là chùa Tam Thanh, một trong những danh thắng nổi tiếng bậc nhất của Lạng Sơn. Tọa lạc trong lòng một hang động đá vôi lớn tại xã Tam Thanh, huyện Lạng Sơn, chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo, hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc.

Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Bên trong là những khối thạch nhũ rủ xuống lung linh, kỳ ảo. Ánh sáng chiếu xuyên qua các khe đá tạo nên không gian huyền ảo như chốn bồng lai. Giữa lòng động, pho tượng Phật A Di Đà được tạc nổi trên vách đá từ với chiều cao 202cm, rộng 65cm trong tư thế áo cà sa đứng trong chiếc lá bồ đề như biểu tượng của sự giác ngộ và bình an.
Điều đặc biệt là trên vách chùa còn lưu giữ bài thơ bằng chữ Hán của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ.
Ý của bài thơ là: "Suối trong tuôn chảy trên hàng trăm mỏm đá như đang trò chuyện. Quay lưng lại nhìn sang ngọn núi phía trước thấy hòn Vọng Phu". Đây không chỉ là giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là minh chứng cho sự giao thoa giữa văn học, kiến trúc, thiên nhiên.

Hàng năm, vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, chùa Tam Thanh tổ chức lễ hội lớn, thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử và du khách thập phương hành hương về dự lễ và tham quan thắng cảnh.
Có thể thấy rằng, câu ca dao xưa vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Áng ca ấy không chỉ giúp hậu thế biết đến những địa danh đặc sắc của xứ Lạng mà còn là minh chứng cho trí tuệ dân gian trong việc chọn lọc, lưu giữ và truyền đời những giá trị tinh túy nhất.
Giữa sự phát triển mạnh mẽ của du lịch hiện đại, câu ca ấy lại càng có ý nghĩa, nhắc nhở chúng ta quay về với cội nguồn, khám phá vẻ đẹp giản dị nhưng sâu sắc của từng vùng đất, ngọn núi, và con người.