Nhận được sự ưu ái của dòng vốn FDI đã khiến thị trường bất động sản khu công nghiệp trở nên khá sôi động trong những năm gần đây. Trong khi nhiều nhóm ngành sụt giảm về lợi nhuận trong nửa đầu năm 2019 thì các doanh nghiệp thuộc nhóm này lại làm ăn phát đạt.
Theo thống kê của thuonggiaonline.vn, mức tăng trưởng chung của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 về doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 30% và hơn 40%.
Kinh doanh “được mùa”
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC – mã: BCM) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Theo đó, doanh thu thuần quý II đạt 2.040 tỷ đồng, tăng 82,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 710,3 tỷ đồng, tăng 41,9% so với quý II/2018, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 670 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm tổng doanh thu của Becamex IDC đạt 3.379 tỷ đồng, tăng 11,7% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành gần 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.323,5 tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ, thực hiện được 77,8% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (mã: KBC) cũng có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng khi tăng 56% so với cùng kỳ, đạt 1.570 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 511,5 tỷ đồng, tăng gần 76% so với cùng kỳ.
Gây bất ngờ nhất có lẽ là CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco, mã: ITA) khi sau thời gian dài kinh doanh xuống dốc đã báo lãi trăm tỷ trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo đó, tổng doanh thu của Itaco đạt 355 tỷ đồng, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cũng kỳ. Kết quả này có sự trợ giúp đắc lực từ các chỉ tiêu của quý II khi chiếm 75% doanh thu và 94% lợi nhuận.
CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (mã: HPI) đã báo lãi gần 83 tỷ đồng trong nửa đầu năm trong khi cùng cùng lỗ hơn 18 tỷ đồng. Riêng quý II công ty lãi 82,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC) là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm có lợi nhuận cao hơn cả doanh thu, theo đó ngoài nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính doanh thu nghiệp này có lãi từ tiền gửi và cổ tức tăng mạnh giúp 6 tháng doanh nghiệp này lãi 130 tỷ đồng tăng 48% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch kinh doanh của cả năm.
Ngoài ra, những cái tên khác như CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa (mã: TIP), CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã: D2D), nhóm doanh nghiệp Sonadezi… cũng không thua kém với mức doanh thu và lợi nhuận bứt phá trong nửa năm qua.
Vẫn cần cân nhắc giải ngân
Song song với kết quả kinh doanh ấn tượng là sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu khu công nghiệp . Theo đó, sau thời gian sụt giảm mạnh về vùng giá 3.000 đồng/cp, cổ phiếu ITA tăng trở lại trong những phiên giao dịch đầu tháng 8 với 2 phiên tăng trần.
Hiện, ITA đang giao dịch tại mức giá 3.570 đồng/cp, tăng 18,2% từ mức giá 3.020 đồng/cp (phiên 30/7). Khối lượng giao dịch cũng tăng đột biến khi trung bình trong 5 phiên giao dịch đầu tháng 8 đạt khoảng hơn 6 triệu đơn vị/phiên.
Đi kèm với kết quả kinh doanh tăng trưởng của Becamex IDC, giá cổ phiếu BCM trên thị trường chứng khoán cũng đang liên tục phá đỉnh. Tính tới phiên giao dịch ngày 6/8, BCM đóng cửa tại mức giá 35.000 đồng/cp – đây là phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp từ phiên giao dịch ngày 31/7/2019, tăng gần 45% so với đầu năm.
NTC cũng gây bão trên thị trường với mức tăng trưởng 2,5 lần từ mức giá 74.730 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi đầu năm lên vùng giá 190.000 đồng/cp như hiện nay. Nếu so với cách đây 1 năm thì NTC đã tăng 280%.
Không nằm ngoài xu hướng chung, so với đầu năm cổ phiếu D2D đã tăng hơn 165%; cổ phiếu SZL của Sonadezi Long Thành tăng 98%; SZC (Sonadezi Châu Đức) tăng 136,4% so với phiên chào sàn…
Được đánh giá là nhóm cổ phiếu có tính ổn định và tăng trưởng mạnh trong dài hạn nhưng đã có ý kiến cho rằng những thông tin hỗ trợ nhóm cổ phiếu khu công nghiệp đã được phản ánh hết vào giá trong thời gian vừa qua và có phần tích cực quá đà.
Ngành khu công nghiệp vẫn còn nhiều rủi ro phải đối mặt như công tác đền bù giải phóng mặt bằng có thể làm tăng chi phí cũng như kéo dài thời gian thực hiện dự án. Mặc dù hưởng lợi từ dòng vốn FDI nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi, bởi vẫn có trường hợp những nhà đầu tư lớn xin cơ chế đặc quyền thuê đất ngoài khu công nghiệp.
Ngoài ra, rủi ro muôn thuở liên quan đến chính sách như cấp phép đầu tư, chi phí thuê đất từ Nhà nước, thuế, môi trường đầu tư...Đặc biệt, khả năng mở rộng và tính chính xác về thông tin của các doanh nghiệp khu công nghiệp cũng là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định đầu tư.
Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc việc giải ngân “lướt sóng” bởi theo các chuyên gia, khi cái lợi đã quá rõ ràng, giá cổ phiếu cũng đang ở vùng không thực sự hấp dẫn.
>> Bất động sản khu công nghiệp: "Món ngon" đợi "Người sành"