Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Đa phần tăng giá, thanh khoản toàn ngành cải thiện

Trong tuần giao dịch vừa qua (6 - 10/11), thị trường chứng khoán ghi nhận 20 mã cổ phiếu ngân hàng tăng, 7 mã giảm và không có mã nào đứng giá…

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Đa phần tăng giá, thanh khoản toàn ngành cải thiện
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Đa phần tăng giá, thanh khoản toàn ngành cải thiện

Trong tuần giao dịch qua (6 - 10/11), sắc xanh lan rộng trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 20/27 mã tăng giá và chỉ có 7 mã giảm giá. Trong đó, cổ phiếu TPB của ngân hàng TPBank là mã tăng mạnh nhất tuần qua (+5,9%), với 2 phiên tăng trên mức 3%. Qua đó, cổ phiếu này kết tuần tại mức giá 17.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu CTG của ngân hàng VietinBank cũng diễn biến khả quan với mức tăng 5%, đóng cửa tuần tại mức giá 29.400 đồng/cổ phiếu. Tương tự, ba mã cổ phiếu NVB, SHB và SGB đều ghi nhận mức tăng trên 4%, lần lượt là +4,9%; +4,2% và +4,2%.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn khác cũng ghi nhận diễn biến tích cực trong tuần giao dịch vừa qua. Điển hình như: VPB (+3,6%); MBB (+3,4%); HDB (+2,7%); VIB (+2,2%); BID (+2,7%); ACB (+1,6%); TCB (+0,2%).

Bên cạnh đó, một số mã cổ phiếu ngân hàng cũng kết tuần trong sắc xanh là: STB (+3,5%); PGB (+3%); ABB (+2%); VAB (+2%); BAB (+0,8%); BVB (+0,5%); NAB (+0,4%); LPB (+0,3%).

Ở chiều ngược lại, VCB của ngân hàng Vietcombank – mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất ngành ngân hàng, cũng là mã giảm mạnh nhất tuần qua, song mức giảm chỉ là -3,3%, kết tuần tại mức 86.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, VCB vẫn là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất toàn thị trường.

Theo sát VCB là cổ phiếu SSB của ngân hàng SeABank với mức giảm -2,1%, còn 23.800 đồng/cổ phiếu. Đây là mức thấp nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 10 năm ngoái.

Ngoài ra, các cổ phiếu còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ, mức giảm nhiều nhất cũng chỉ là 1,1%. Trong đó, hai mã MSB và OCB cùng giảm 1,1%; VBB và EIB cũng giảm 0,3%; cổ phiếu KLB giảm 0,2%.

Ảnh chụp Màn hình 2023-11-13 lúc 10.51.06.png
Thay đổi giá trong tuần giao dịch vừa qua (6 - 10/11)

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự hồi phục tích cực ở tuần này với 773 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch đạt gần 15.500 tỷ đồng, tăng 35% so với tuần trước đó.

STB vẫn đứng ở vị trí dẫn đầu với thanh khoản chung trong tuần đạt 2.918 tỷ đồng, tăng 400 tỷ đồng so với tuần trước. Đáng chú ý, giá trị giao dịch của VPB tăng vọt trong tuần này, với mức 2.140 tỷ đồng, cao hơn 50% so với tuần trước đó. Trong phiên 8 và 10/11, cổ phiếu VPB xuất hiện những giao dịch thỏa thuận có giá trị lớn, mỗi phiên đạt lần lượt là 401 và 362 tỷ đồng.

Thanh khoản của cổ phiếu EIB cũng tăng vọt trở lại mức 1.508 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với tuần trước đó khi lượng giao dịch đối với cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận đều tăng. Ngoài ra, các mã có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng trong tuần qua còn MBB, HDB và SHB.

STB cũng là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài tuần qua khi nhóm này đã mua ròng hơn 258 tỷ đồng, mức cao nhất toàn ngành và cao thứ 2 toàn thị trường. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mua ròng 43 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 40 tỷ đồng TPB. Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng 188 tỷ đồng cổ phiếu VCB.

Trong khi đó, khối tự doanh có xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng khi bán ròng 195 tỷ đồng TCB, 191 tỷ đồng MSB và 167 tỷ đồng HDB trong tuần.

Tuần qua, sự kiện đáng chú ý thể hiện uy tín của thị trường tiền tệ Việt Nam là việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.

Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất huy động cao nhất về còn 5%/năm. Lần gần đây nhất Vietcombank điều chỉnh lãi suất là 20/10. Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng thương mại khác như VPBank, VIB, Sacombank, NCB, BaoVietBank, Nam A Bank... đã đưa lãi suất huy động xuống thấp nhằm giúp giảm chi phí vốn.

Một nội dung đáng chú ý khác, ngân hàng SeABank dừng phương án chào bán gần 95 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho quỹ đầu tư của Na Uy. Quyết định ngừng thực hiện phương án chào bán riêng lẻ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu SSB chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022.

Về vấn đề biến động nhân sự, ngân hàng Techcombank đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thu Lan và ông Nguyễn Anh Tuấn vào vị trí Quyền Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro và Quyền Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ thay thế cho hai lãnh đạo tiền nhiệm người nước ngoài.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...