Phó Thống đốc: Bằng mọi biện pháp sẽ giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ

Lãi suất một số khoản cho vay cũ vẫn đang neo ở mức cao do độ trễ của chính sách cũng như đảm bảo hài hoà phương án tài chính của ngân hàng…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Ngày 4/11, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định cho đến thời điểm hiện tại việc điều hành lãi suất đã đạt được mục tiêu giảm lãi suất, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, mở rộng đầu tư cho tăng trưởng GDP trong năm nay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ, nếu chỉ câu chuyện huy động rồi cho vay thì huy động thấp sẽ cho vay thấp và ngược lại. Nhưng huy động lại phụ thuộc vào lạm phát và các chỉ số khác. Vì thế, lãi suất huy động mặc dù đã giảm nhưng phải tính toán giảm lãi vay ở mức độ nào cho phù hợp. Lãi vay là một chỉ số rất cần quan tâm trong chỉ đạo điều hành để phù hợp với chỉ số kinh tế vĩ mô nói chung.

Trong khi đó, lãi suất quan hệ rất chặt với tỷ giá. Khi lãi suất VND quá thấp mà tỷ giá đang ở các mức cao, đặc biệt lãi suất ngoại tệ của các nước có ảnh hưởng đến Việt Nam đang rất cao sẽ dễ tạo ra sự chênh lệch và tình trạng đô la hóa xuất hiện, vấn đề tỷ giá có thể bị phá vỡ. Cho nên, lãi suất điều hành làm sao phù hợp trong quan hệ với tỷ giá cũng là một yếu tố rất phức tạp, phải rất là cân nhắc khi điều hành.

Ngoài ra, lãi suất còn liên quan rất nhiều đến những vấn đề trong nền kinh tế, bao gồm chính sách tài khóa trong phát hành trái phiếu, huy động nguồn lực của Nhà nước, sử dụng khoản cho vay của Nhà nước...

Bên cạnh đó, trong điều hành lãi suất phải đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong điều hành lãi suất này, thì Ngân hàng Nhà nước luôn dựa trên việc tính toán để tìm ra một phương án hợp lý.

Tại họp báo, ông Đào Minh Tú cũng cho biết thêm, từ đầu năm 2023 đến nay, quan điểm điều hành là vừa phù hợp với thực tiễn, vừa tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất. Vì vậy, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, đưa thông điệp và sử dụng các công cụ để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất.

Trước hết là lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần và mức giảm đến 2% cho một số chỉ tiêu, một số mức lãi suất. Đối với các ngân hàng thương mại, đúng là đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 mức giảm là khoảng 1% so với cuối năm 2022.

Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán với mức độ ảnh hưởng của kinh tế thế giới, khả năng chống chịu của nền kinh tế đất nước trước những khó khăn kép đang tác động tới nhiều mặt để điều hành chính sách tiền tệ hướng tới đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay sẽ dưới 4,5% và hỗ trợ tăng trưởng.

“Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu là cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng từ 1-1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay theo thống kê cũng như đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới sẽ giảm khoảng 2 - 2,2%, tức là vượt hơn kỳ vọng và mong muốn ngay từ đầu năm với mức lãi suất giảm”, ông Tú nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận một số khoản cho vay trước đây khi mà các ngân hàng thương mại huy động cao thì lãi vay vẫn còn đang neo cao, vì độ trễ của chính sách và để đảm bảo hài hòa phương án tài chính của các ngân hàng thương mại.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: "Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, kể từ nay đến cuối năm phải tiết giảm, kể cả những lãi suất cho vay trước đây để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp".

Tại họp báo, ông Tú cũng cho biết thông tin, chiều 27/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị toàn ngành với 35 ngân hàng thương mại lớn chiếm tỷ trọng chính cho vay của nền kinh tế. Hội nghị đã chỉ rõ những ngân hàng nào lãi suất còn cao, những ngân hàng nào lãi suất đã thấp, để những ngân hàng còn cao tìm biện pháp để giảm lãi suất hỗ trợ.

Hội nghị đã chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể đối với những ngân hàng mức lãi suất cho vay, chênh lệch đầu vào, đầu ra còn cao trên mức bình thường. Đến nay, 4 ngân hàng thương mại nhà nước với vai trò chủ lực đã giảm lãi suất đáng kể.

Ví dụ như Vietcombank, mức lãi suất cho vay trung bình hiện nay của tất cả các khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn và tất cả những khoản cho vay cũ trước đây, cũng như các khoản cho vay mới hiện nay chỉ là 5,94%. So với cuối năm 2022 đã giảm 1,75% và so với cùng kỳ năm ngoái nó đã giảm 0,29%.

Tại ngân hàng BIDV, mức cho vay trung bình là 6,46% và so với cuối năm ngoái thì giảm 2,59% và so cùng kỳ thì giảm 0,15%.

Song, Phó Thống đốc cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều ngân hàng hiện nay mức cho vay bình quân còn cao, khoảng 9%/năm, thậm chí trên 9%.

Ông Tú bày tỏ sự quyết liệt: "Tất cả những ngân hàng này cũng đã được chỉ rõ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu phải tìm mọi biện pháp để giảm lãi suất".

Xem thêm

Xử lý nghiêm tình trạng xe dù bến cóc

Xử lý nghiêm tình trạng xe dù bến cóc

Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ xử lý hiện tượng xe dù, bến cóc, không thể coi là việc đương nhiên. Bộ đã yêu cầu các địa phương phối hợp rà soát, điều chỉnh quy định để có những chế tài xử lý vấn đề này...

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...