Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua (21 - 25/8) tiếp tục phân hóa khá mạnh với 14 mã tăng, 12 mã giảm và duy nhất 1 mã đứng giá.
Trong đó, mã LPB của ngân hàng LP Bank có mức tăng mạnh nhất (+10,7%) khi có tới 4 phiên tăng giá và gần tăng kịch trần trong phiên đầu tuần. Kết tuần, thị giá cổ phiếu LPB đang dừng ở mức 15.700 đồng/cổ phiếu.
Theo sau LPB là 2 mã EIB và TPB của ngân hàng Eximbank và TPBank với mức tăng tương ứng 4,3% và 4,1%. Kết tuần, thị giá của 2 mã cổ phiếu này lần lượt đạt mức 24.000 và 18.850 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần qua, nhiều ngân hàng có vốn hóa lớn cũng kết tuần trong sắc xanh, tuy nhiên mức tăng không đáng kể như CTG (+1,5%), BID (+2,3%), TCB (+3,5%), ACB (+0,2%).
Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tích cực trong tuần như: SSB (+2,7%); PGB (+2,2%); MSB (+1,9%); NAB (+1,5%); OCB (+1,1%); HDB (+0,3%); VIB (+0,3%).
Ở chiều ngược lại, 3 mã giảm giá nhiều nhất tuần qua đều là các cổ phiếu đang niêm yết trên UPCoM là KLB, SGB và VBB với mức điều chỉnh lần lượt là -5,9%, -5,5% và 4,6%.
Mã VCB của ngân hàng Vietcombank trong tuần qua cũng giảm -3,7%, kết tuần ở mức 86.200 đồng/cổ phiếu. Là mã cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường nên VCB cũng là mã có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index tuần qua nói chung và nhóm cổ phiếu “vua” nói riêng.
Trong tuần giao dịch 21 - 25/8 cũng có nhiều mã cổ phiếu tiêu cực, tuy nhiên mức điều chỉnh không quá lớn. Điển hình như SHB (-0,4%); STB (-0,6%); ABB (-0,9%); BAB (-1,4%); BVB (-1,6%); VAB (-1,9%); VPB (-1,9%); NVB (-2,1%).
Cổ phiếu MBB của ngân hàng MB Bank là mã duy nhất đứng tham chiếu trong tuần, tiếp tục đóng cửa tại mức 18.100 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản toàn ngành trong tuần qua tiếp tục giảm so với tuần trước đó. Cụ thể, thị trường giao dịch 861 triệu cổ phiếu ngân hàng trong 5 phiên giao dịch, thấp hơn 14% so với tuần trước đó, giá trị giao dịch tương đương đạt 19.270 tỷ đồng.
STB vẫn dẫn đầu toàn ngành về thanh khoản khi cổ phiếu này được giao dịch 4.444 tỷ đồng trong tuần, đi ngang so với tuần trước đó và cao hơn gấp đôi mức 1.994 tỷ đồng của EIB đứng sau đó. Ngoài ra, chỉ có VPB, TCB, SHB và CTG có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng trong tuần qua.
VPB tiếp tục chịu áp lực từ khối ngoại khi nhóm này bán ròng thêm 390 tỷ đồng trong tuần. Như vậy, chỉ trong nửa tháng trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 750 tỷ đồng cổ phiếu VPB. Ngoài ra, nhóm này còn bán ròng 311 tỷ đồng STB, 123 tỷ đồng VCB và 120 tỷ đồng CTG. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng 165 tỷ đồng TPB.
Ở một diễn biến khác, khối tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng 94 tỷ đồng cổ phiếu STB, 54 tỷ đồng ACB và 44 tỷ đồng VPB và mua ròng 59 tỷ đồng EIB, 53 tỷ đồng MBB và 37 tỷ đồng VIB.
Sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần qua là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét, sửa đổi các quy định có liên quan tại Thông tư số 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mạnh. Hiện tại, chỉ còn 5 ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm trên mức 7%/năm, bao gồm: DongA Bank, NCB, Nam A Bank, Oceanbank và PVcomBank...
Trước đó, nhóm ngân hàng Big 4 là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đã đồng loạt giảm lãi suất huy động trong ngày 23/8, với mức giảm lên tới 0,5 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất đang được triển khai tại các ngân hàng này là 5,8%/năm, áp dụng tại kỳ hạn gửi 12 tháng. So với trước đó, mức lãi suất này đã được điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm.
Mới đây, Ngân hàng Eximbank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 2.655 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Theo đó, tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành để chi trả cổ tức là hơn 265 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ 18%, tương ứng với mỗi cổ đông đang sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 18 cổ phiếu mới. Thời gian dự kiến hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là trước ngày 31/10/2023.
Một sự kiện đáng chú ý khác, Bà Hồ Thủy Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank dự kiến sẽ mua thêm 82 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 2,9757% vốn cổ phần của ngân hàng này. Theo dự kiến, bà Hồ Thủy Anh sẽ phải bỏ ra số tiền là 2.700 tỷ đồng để mua vào toàn bộ số cổ phiếu đã đăng ký.