Khảo sát biểu lãi suất huy động ngày 23/8 tại 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cho thấy, các ngân hàng này đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất về dưới mức 6%/năm.
Cụ thể, tất cả các ngân hàng Big 4 đều giảm lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng thêm 0,3 điểm phần trăm. Sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3,3%/năm xuống còn 3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,1%/năm xuống 3,8%/năm. Trong khi lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng tụt từ 5%/năm xuống mức 4,7%/năm.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng này đã đưa lãi suất huy động từ 6,3%/năm xuống còn 5,8%/năm, tương đương mức giảm 0,5 điểm phần trăm. Riêng tại Agribank, từ các kỳ hạn trên 12 tháng, ngân hàng này đang đưa ra mức lãi suất 5,5%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm so với lần điều chỉnh trước đó và là ngân hàng trong nhóm Big 4 có lãi suất huy động thấp nhất.
Trong khi đó, VietinBank, Vietcombank và BIDV cùng áp dụng mức lãi suất 5,8%/năm cho những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cùng giảm 0,5 điểm phần trăm so với biểu lãi suất cũ.
Với sự điều chỉnh lần này, các ngân hàng Big 4 lại trở thành những ngân hàng có lãi suất thấp nhất trong hệ thống. Trước đó, do các ngân hàng tư nhân liên tục điều chỉnh còn nhóm Big 4 đứng yên trong gần 2 tháng, lãi suất của một số ngân hàng tư nhân đã về ngang với nhóm Big 4 và thậm chí là còn thấp hơn.
Lãi suất huy động phổ biến hiện nay được hầu hết các ngân hàng niêm yết từ 6 - 6,9%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn ít ngân hàng tư nhân đang duy trì lãi suất huy động cao từ 7 - 7,3%/năm tại một vài kỳ hạn gồm: ABBank, PVCombank, NCB, CBBank, BaoVietBank, VietA Bank, HD Bank, Nam A Bank, KienLong Bank, LP Bank, OceanBank.
Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng vẫn diễn ra liên tục khi vừa qua Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo hạ lãi suất cho vay. Hồi giữa tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8/2023.
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã đưa ra chỉ đạo, bên cạnh một số lãi suất được Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất trần, còn lại các ngân hàng thương mại được tự chủ về mặt lãi suất theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, dù không bị pháp luật hạn chế về lãi suất trần, nhưng các ngân hàng vẫn phải lưu ý vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng.
Bên cạnh việc hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cắt giảm các loại phí. Phó Thống đốc cho biết, dự kiến cuối tuần này hoặc đầu tuần sau Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về lãi suất và phí tại các ngân hàng, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của doanh nghiệp. Đây giờ là lúc các ngân hàng phải chia sẻ, chia sẻ một cách thực chất.
"Đêm qua tôi nhắn tin cho chủ tịch của hai ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Tôi nói nghe các ông nói trên tivi nhưng khi doanh nghiệp phản ánh cho vay từng này. Người ta cứ nói mãi rằng “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi mà vay". Sau khi nhận được tin nhắn trong đêm, hai vị chủ tịch của hai ngân hàng thương mại cổ phần lớn này đều hứa “sẽ rà soát lại.”, ông Tú thuật lại.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng tỏ ra thấu cảm với các ngân hàng thương mại khi cho rằng ngân hàng cũng có cái khó, bởi bản chất họ vẫn là doanh nghiệp. Tiền cho vay không phải là của ngân hàng mà là tiền huy động của người dân, nên không thể cứ cho vay thoải mái dẫn đến mất thanh khoản, rồi trở thành gánh nặng của Nhà nước.