Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua (10/7 - 14/7) diễn biến tích cực khi có tới 21/27 mã kết tuần trong sắc xanh. Trong đó, PGB đứng đầu toàn ngành với mức tăng +9,9%, đóng cửa tuần tại mức giá 29.500 đồng/cổ phiếu.
Xếp sau PGB là mã BID của ngân hàng BIDV với mức tăng 5,5%, nhờ đó giá cổ phiếu này đã vượt lên mức 46.750 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index tuần qua xét theo số lượng cổ phiếu lưu hành. Trong phiên đầu tuần, cổ phiếu này đã tăng mạnh gần 6%.
Một ngân hàng có vốn hóa lớn khác là MBB cũng có đà tăng tích cực trong tuần qua (+4,9%). Tính từ đầu tháng 6 tới nay, cổ phiếu này đã tăng gần 17%, hiện thị giá đang ghi nhận ở mức 18.650 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, trong tuần giao dịch này, cũng ghi nhận nhiều mã cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến khả quan với mức tăng từ 1% đến 3% như: HDB (+3%), ABB (+2,3%), VIB (+2,3%), SHB (+1,5%), NVB (+1,4%), ACB (+1,4%), TCB (+1,3%), SSB (+1,2%), VAB (+1,2%), CTG (+1%), KLB (+1%).
Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng nhẹ dưới 1% là NAB (+0,8%), TPB (+0,6%), OCB (+0,6%), MSB (+0,4%), VPB (+0,3%), EIB (+0,2%), BVB (+0,2%).
Ở chiều ngược lại, trong tuần qua có tới 5 cổ phiếu ngân hàng kết tuần trong sắc đỏ. Tuy nhiên, mức giảm không quá lớn, đều ở mức dưới 3%, bao gồm là LPB (-2,8%), VBB (-2,4%), STB (-2%), BAB (-0,7%) và SGB (-0,2%).
Trong tuần giao dịch 10/7 - 14/7, thị trường ghi nhận duy nhất 1 mã cổ phiếu ngân hàng đứng giá là VCB của ngân hàng Vietcombank.
Thanh khoản toàn ngành tuần qua tăng mạnh với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị đạt 24.743 tỷ đồng, cao hơn 40% so với tuần trước đó.
Đóng góp cho đà tăng này là sự bùng nổ về thanh khoản của cổ phiếu STB . Tính chung trong 5 ngày giao dịch, có hơn 154 triệu cổ phiếu STB được giao dịch, tương đương với giá trị đạt 4.517 tỷ đồng, cao gấp đôi tuần trước đó.
Sự đột biến đến từ phiên cuối cùng của tuần, với hơn 2.150 tỷ đồng được giao dịch, hầu hết được thực hiện theo phương thức khớp lệnh. Đây cũng là phiên có thanh khoản cao nhất của STB trong hơn 2 năm trở lại.
Bên cạnh STB, cổ phiếu PGB cũng gây chú ý khi có hơn 168 triệu cổ phiếu được trao tay, tương ứng giá trị gần 3.600 tỷ đồng. Riêng trong đó, 155 triệu cổ phiếu đã được giao dịch theo phương thức thỏa thuận.
Diễn biến bất ngờ của cổ phiếu PGB diễn ra trong bối cảnh sau khi PG Bank có biến động lớn về cổ đông chiến lược (Petrolimex thoái vốn), đồng thời ngân hàng có thay đổi về các nhân sự lãnh đạo cấp cao từ Chủ tịch Hội đồng quản trị đến Tổng Giám đốc.
Quay trở lại diễn biến cổ phiếu ngân hàng, khối ngoại tuần qua tiếp tục xu hướng bán ròng STB với giá trị bán ròng là 427 tỷ đồng, cao nhất toàn thị trường. Tính trong 3 tuần trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 900 tỷ đồng STB.
Có chung động thái, khối tự doanh cũng đã bán ròng 73 tỷ đồng cổ phiếu STB trong tuần, cùng với đó là 70 tỷ đồng cổ phiếu VCB.
Về sự kiện đáng chú ý trong ngành ngân hàng tuần qua, ngày 13/7/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của các tổ chức hội viên. Tại hội nghị, các tổ chức tín dụng đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thêm vào đó, ngân hàng VPBank đã chốt phương án dùng 1,5 tỷ USD từ bán cổ phần cho ngân hàng Nhật Bản. Số vốn huy động sau chào bán thành công được chia làm hai khoản. Thứ nhất, 34.999 tỷ đồng dùng để bổ sung nguồn vốn trung hạn và dài hạn. Thứ hai, 905 tỷ đồng còn lại dùng để đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin lớn.
Ở diễn biến khác, ngân hàng LPBank sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8/2023 để phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19%. Sau khi hoàn thành việc phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng thêm 3.285 tỷ đồng.