Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB lập đỉnh mới, nhiều mã chuẩn bị chia cổ tức

Trong tuần giao dịch vừa qua (5 - 9/6), cổ phiếu ngân hàng ghi nhận 14 mã tăng và 13 mã giảm, không có mã nào đứng giá…
cổ phiếu ngân hàng

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua (5-9/6/2023) khá phân hóa với 14 mã tăng giá và 13 mã giảm giá. Trong đó, tăng mạnh nhất toàn ngành ngân hàng là mã PGB của ngân hàng PGBank với mức tăng 8,7%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/6, thị giá cổ phiếu này ghi nhận ở mức 28.600 đồng/cổ phiếu.

Mã cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh tiếp theo là NVB của ngân hàng NCB với mức tăng 6%, kết tuần tại 15.800 đồng/cổ phiếu. Từ đầu tháng 5 đến nay, mã NVB đã tăng giá hơn 20%. Mới đây, ngân hàng này đã kết thúc việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, theo đó thông qua việc chuyển nhượng 203 triệu cổ phần BAV của Bamboo Airways.

Cổ phiếu gây chú ý nhất tuần qua lại là VCB của ngân hàng Vietcombank khi cổ phiếu này đã thiết lập đỉnh lịch sử mới. Cụ thể, mã cổ phiếu này đã tăng 5,9% trong tuần qua, kết tuần ở mức 100.500 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, giúp vốn hóa của Vietcombank đã lên hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 20 tỷ USD. Diễn biến tích cực của VCB cũng góp phần lớn kéo lại VNIndex, giúp chỉ số chung không bị giảm quá mạnh tuần này và cũng là mã ảnh hưởng tích cực nhất tới chỉ số Vn-Index tuần qua.

Các mã tăng mạnh tiếp theo chủ yếu là cổ phiếu nhỏ trên sàn UPCoM như, KLB (4,1%), SGB (2,9%). Một số cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HoSE cũng có diễn biến tích cực như MSB (3,1%), MBB (2,8%), VIB (1,5%), LPB (1%).

Trong tuần qua, những mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng chưa đến 1% là SHB (0,8%), VBB (0,6%), TCB (0,6%), OCB (0,3%), SSB (0,2%).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ABB, VAB và BVB là những mã có mức giảm mạnh nhất, với mức giảm lần lượt là (- 4,7%), (- 4,2%), (- 4%). Một số ngân hàng có vốn hóa lớn cũng giảm giá trong tuần qua, điển hình như: BID (-2,8%), VPB (-1,8%), CTG (-1%).

cổ phiếu ngân hàng
Thay đổi giá cổ phiếu ngân hàng trong tuần vừa qua (5-9/6/2023)

Thanh khoản toàn ngành tiếp tục duy trì ở mức cao với 961 triệu cổ phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị đạt 19.400 tỷ đồng.

Xét về khối lượng, SHB đứng đầu và bỏ xa toàn ngành với hơn 210,6 triệu cổ phiếu được giao dịch, chiếm 25% khối lượng giao dịch toàn ngành. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch, SHB và STB chia chung vị trí đầu khi cả hai đều đạt xấp xỉ 2.500 tỷ đồng. Đây cũng là 2 mã có giá trị giao dịch đạt trên 2.000 tỷ đồng tuần qua, một số mã đạt mức trên 1.000 tỷ bao gồm VPB, TCB, MBB, EIB.

Trong bối cảnh cổ phiếu VCB tăng giá tích cực, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 114 tỷ đồng cổ phiếu này trong tuần. Ngược lại, bán ròng 236 tỷ đồng CTG và 75 tỷ đồng BID.

Khối tự doanh cũng có xu hướng gom cổ phiếu ngân hàng khi mua ròng 82 tỷ đồng ACB, 54 tỷ đồng MBB, 27 tỷ đồng CTG và STB trong khi không bán ròng mã nào quá 10 tỷ.

Mới đây, ngân hàng Techcombank thông báo dự kiến sẽ phát hành 5,27 triệu cổ phần ESOP. Trong đó 2,12 triệu cổ phần cho người lao động nước ngoài và 3,15 triệu cổ phần cho người lao động Việt Nam.

Ở một diễn biến khác, HDBank và OCB đã thông báo về việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ. Dự kiến trong thời gian tới các ngân hàng này sẽ tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ. Trong đó, OCB dự kiến chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%, HDBank chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%.

Tương tự, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho LPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ được đại hội đồng thường niên 2023 thông qua.

Đáng chú ý, ngày 9/6 vừa rồi là ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ phiếu TPB để chuẩn bị phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 39,19%. Ngày đăng ký cuối cùng là 12/6. Theo đó, TPBank sẽ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng.

Trong tuần qua, cuộc đua giảm lãi suất huy động vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ghi nhận cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn với mức giảm lên đến 1,7 điểm phần trăm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...