Những cổ phiếu tăng trần bao gồm FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta, CMX của CTCP Camimex Group; ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang, HVG của Thủy sản Hùng Vương.
Ngoài ra, các cổ phiếu thủy sản khác như MPC (CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú )tăng 1,3% lên 46.000 đồng/cp, ANV (CTCP Nam Việt) tăng 2,4% lên 27.800 đồng/cp, VHC (CTCP Vĩnh Hoàn) tăng 1,8% lên 92.600 đồng/cp.
Hỗ trợ đà tăng của nhóm cổ phiếu thủy sản trong phiên 10/4 là thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.
Trước đó, ngày 9/4, Bộ Thương mại Mỹ kết luận sơ bộ rằng các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Công ty Sao Ta và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018.
Đây là hai đơn vị được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất cho đợt xem xét hành chính đợt này, do đó biên độ phá giá tính cho 2 đơn vị này sẽ được áp dụng cho các công ty còn lại.
Ngược lại, với 67 công ty khác của Việt Nam không thuộc các trường hợp nêu trên, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất riêng nên sẽ chịu thuế suất thuế bán phá giá chung cho sản phẩm cùng loại từ Việt Nam là 25,76%. Trước đó, DOC ngày 9/8/2018 đã hủy bỏ rà soát đối với CTCP Thủy sản Sóc Trăng và Seavina.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng đây là tin vui cho ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam bởi với mức thuế này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới Bộ Thương mại Mỹ.
Mức thuế sơ bộ này cũng là nền tảng vững chắc để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới. Theo ông Lực, mức thuế này cũng sẽ tạo lòng tin cho các nhà nhập khẩu Mỹ duy trì và phát triển mua tôm từ Việt Nam.