HỒ DUỒNG CỐC - VIÊN NGỌC BÍCH XỨ THANH
Phù hợp với: nhóm bạn, người thích thiên nhiên, yên tĩnh
Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 100 km, hồ Duồng Cốc xưa vốn là một cánh đồng dưới thung lũng thuộc hai làng Đèn và Né của xã Điền Hạ, huyện Bá Thước, được xây dựng thành hồ thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hai huyện Cẩm Thủy và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa. Với diện tích mặt nước khoảng gần 60 ha, hồ Duồng Cốc mênh mông và êm đềm nằm giữa trập trùng núi non xanh biếc, là điểm thư giãn lý tưởng vào những dịp cuối tuần.
Ảnh: Nam Hoa
Đã đến hồ Duồng Cốc, không thể không thuê một chiếc thuyền đi dạo trên hồ. Khi thuyền lượn sát lùm cây ở các gò đảo hoặc ven chân núi, lũ chim thấy động sẽ ào ạt bay lên. Tiếng chim rừng hót lanh lảnh vang vọng trên mặt hồ lộng gió, dễ làm người lữ khách ngẩn ngơ trước sự thanh khiết của thiên nhiên. Chiều đến, làn khói trắng mỏng bốc lên từ nương ngô ở một góc hồ, quyện với màn sương chiều bắt đầu mù mịt giăng trên các sườn núi, tạo ra khung cảnh yên bình, thanh nhã như một bức tranh thủy mặc.
Ảnh: Nam Hoa
Ở giữa hồ nổi lên vài gò đảo nhỏ, cùng với một cây “cô đơn” nằm chơ vơ trên bãi cỏ xanh. Vào mùa hè, nước cạn, du khách thường kéo đến cắm trại bên gốc cây này.
Ảnh: Nam Hoa
Nếu ở lại qua đêm, bạn có thể liên hệ gia đình ông Điện, người Mường, để đặt bữa cơm Mường cho buổi tối bên hồ. Ông Điện sẽ đãi khách bữa ăn với toàn bộ thực phẩm đều là sản vật của hồ Duồng Cốc: gà thả rừng, tôm cá các loại bắt lên từ hồ, cơm nếp của người Mường đất Bá Thước…
Bữa ăn được phục vụ tại các căn chòi do nhà ông Điện dựng trên mặt nước sát bờ. Trong căn lán lộng gió bên bờ hồ Duồng Cốc, mọi người cùng nâng chén rượu táo mèo, thưởng thức món ngon, cùng lúc nghe ông Điện say sưa kể về những sự tích của làng Đèn, làng Né.
Ảnh: Internet
“Dưới chân núi có một ngôi làng, tương truyền ngày xưa ở làng có người chồng đi đánh giặc, người vợ ở lại treo một ngọn đèn trên núi, với lời dặn của chồng rằng hãy chăm sóc ngọn đèn cẩn thận, khi đèn tắt là chồng thắng giặc nơi xa. Tuy nhiên, giặc cho kẻ xấu về tung tin người chồng đã thắng trận đang trở về, làm người vợ tưởng thật và tắt đèn đi. Cuối cùng, người chồng thất bại nơi chiến trường và không về nữa. Từ đó, làng được mang tên làng Đèn.”
“Ngôi làng bên cạnh làng Đèn, xa xưa núi rừng có rất nhiều hổ. Chúng mò ra làng bắt người rồi thường đưa về một chỗ để ăn thịt, gọi là Cống Rụm, nơi xương người lâu ngày chất đống. Mọi người sợ hãi dặn nhau né tránh khu vực ấy, lâu dần thành tên gọi làng Né.”
CHÀY LẬP - VÙNG THÔN QUÊ ĐẶC TRƯNG CỦA QUẢNG BÌNH
Phù hợp với: nhóm gia đình, bạn bè, thích trải nghiệm dân dã, phiêu lưu
Ảnh: CLF
Nằm ngay cửa ngõ vào Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Chày Lập là một thôn quê mộc mạc được bao bọc giữa những rặng núi đá vôi và cây cối xanh mướt. Từ Chày Lập, bạn có thể thuận tiện đi khám phá nhiều địa danh hấp dẫn của Quảng Bình như sông Chày - hang Tối, suối Moọc, động Thiên Đường, hang Tám Cô… Đặc biệt, một trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi dừng chân ở Chày Lập, đó là lưu trú tại Chày Lập Farmstay.
Tiền thân là Rustic Chày Lập - Thôn quê Chày Lập, homestay đầu tiên của Quảng Bình được thành lập năm 2009 dưới sự vận hành của HTX Du lịch Cộng đồng thôn Chày Lập. Đến năm 2016, Oxalis chung tay vận hành homestay, tạo ra thương hiệu Chày Lập Farmstay (CLF) - một khu du lịch cộng đồng, kết hợp giữa hệ thống khách sạn hiện đại với các khu làm vườn.
Ảnh: CLF
Bên cạnh cụm nhà xinh xắn view hướng núi, hướng vườn, khu nghỉ còn có bể bơi, khu vui chơi thể thao dưới nước, sân cỏ ngoài trời để chiếu phim hay cũng là sân chơi cho trẻ con… Bạn cũng sẽ thấy thích thú trước dãy nhà Farm nằm kế bên vườn rau sinh thái của CLF - với khả năng nổi lên nhờ hệ thống thùng phuy và cọc định hướng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, một giải pháp thích ứng với khí hậu độc đáo của người dân nơi này.
Trong khu vườn trái cây của CLF là hai căn nhà rường truyền thống, một căn tên Suối Nhạp - là tên con suối uốn quanh khu nghỉ, chảy từ khe núi ra sông Chày; một căn tên Hà Nổ - loài hoa mọc dọc suối Nhạp, vào mùa xuân nở bông trắng muốt, thơm lừng. Hai căn nhà rường này được sử dụng làm khu spa, với những dịch vụ có 1-0-2 như ngâm chân lá lốt, xông hơi lá trà xanh…, do chính những cô thôn nữ ở làng Chày, làng Mé vận hành.
Ảnh: CLF
Điểm hấp dẫn nhất của CLF là nơi đây tổ chức rất nhiều hoạt động trải nghiệm gắn liền với cuộc sống nông trang của người dân địa phương. Người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các hoạt động ngày mùa như trỉa đậu, trỉa bắp, gặt lúa hay tự tay trồng, chăm sóc và thu hoạch những luống rau xanh mướt; sáng sớm hay chiều tối ngồi nhâm nhi café bên bờ sông Chày nước trong, xanh biếc hay giữa khung cảnh thiên nhiên núi rừng bao quanh.
Nếu ưa vận động, bạn có thể chèo thuyền kayak, chèo SUP hay đi du thuyền trên sông Chày; còn nếu muốn một hoạt động nhẹ nhàng, hãy đạp xe quanh Chày Lập để khám phá trọn vẹn sự dân dã nơi đây.
HÒN VƯỢN - NƠI NGẮM HUẾ TỪ TRÊN CAO
Phù hợp với: nhóm bạn, người thích khám phá, vận động
Hòn Vượn thuộc địa phận thôn Đồng Chầm (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 20 km. Hơn một năm nay, hòn Vượn bắt đầu trở thành điểm đến hấp dẫn du khách ưa khám phá.
Ảnh: Shi Jang
Để đến với hòn Vượn, du khách di chuyển theo bờ Bắc sông Hương để đến chùa Huyền Không Sơn Thượng, gửi xe tại chùa và nhẹ nhàng di chuyển ra phía sau lưng chùa để bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh hòn Vượn. Hoặc có một đường đi khác - ngoằn ngoèo và hiểm trở hơn, là vòng qua hồ Thọ Sơn rồi men theo đường mòn để lên đỉnh hòn Vượn. Nếu đi bằng xe đạp thì bạn có thể vác xe đạp theo hướng xuống chùa Huyền Không Sơn Thượng, nếu đi xe máy thì bạn buộc phải xuống theo đường đã lên.
Ảnh: Shi Jang
Với những du khách yêu thích du lịch khám phá, hòn Vượn sẽ là một địa điểm thú vị. Đường đi bộ lên hòn Vượn vượt qua rừng tràm có độ dốc tương đối, khá trơn trượt. Chính vì vậy, mùa hè khô ráo là thời điểm lý tưởng để du khách tìm đến với địa điểm này.
Ảnh: Shi Jang
Đỉnh hòn Vượn từng là căn cứ quân sự của Mỹ trong những năm chiến tranh - với vết tích còn lại của sân bay, công sự, các chiến hào, hầm trú ẩn nằm rải rác xung quanh đỉnh núi, cùng một số động vật hoang dã. Ngày nay, đây là nơi ngắm bình minh hay hoàng hôn tuyệt đẹp. Từ trên cao, có thể thấy toàn cảnh thành phố Huế, phá Tam Giang, hồ Thọ Sơn, hồ Khe Ngang và cảnh quan xung quanh rất ngoạn mục.
Ảnh: Shi Jang
Để có một chuyến chinh phục đỉnh hòn Vượn đáng nhớ, nhất thiết phải mang theo đủ nước uống và một ít bánh trái hay đồ ăn kiểu picnic. Mang theo đèn pin chiếu sáng để đảm bảo an toàn khi đi sớm/về muộn. Việc giữ gìn vệ sinh và cảnh quan là cần thiết để giữ cho hòn Vượn thành điểm đến xanh - sạch và hấp dẫn du khách.
TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA TÂY NGUYÊN BÊN HỒ LĂK
Phù hợp với: gia đình, nhóm bạn, người thích trải nghiệm văn hóa
Nói đến Đăk Lăk, du khách thường sẽ nghĩ ngay đến Bảo tàng Cà phê ở Buôn Mê Thuột hay những chú voi ở bản Đôn; không nhiều người biết rằng hồ Lăk cũng là một “kho báu” nhỏ của núi rừng Tây Nguyên.
Ảnh: Thắng Sói
Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn thuộc huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam (chỉ sau hồ Ba Bể); và dù đã có khá nhiều hoạt động du lịch tại Lắk, nơi này vẫn giữ được vẻ thơ mộng, dịu dàng và hoang sơ.
Ảnh: Thắng Sói
Nếu đến Lăk, chắc chắn bạn nên lựa chọn lưu trú tại những nhà nghỉ/khách sạn nằm sát bên hồ Lăk, để có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hồ vào từng thời điểm khác nhau trong ngày. Sáng sớm, thuê một chiếc thuyền độc mộc để được người dân chở đi quanh hồ, có thể bạn sẽ bắt gặp đàn voi chậm chạp di chuyển trên dòng nước sát bờ, hoặc những đàn chim ríu rít chao liệng, hoặc đơn giản là để ngắm bình minh với những tia nắng đỏ ửng “trôi” trên mặt nước.
Vào buổi chiều, từ hồ Lăk, bạn có thể cuốc bộ đến khu biệt thự của vua Bảo Đại nằm trên một đỉnh đồi cách hồ không xa. Trên quãng đường dốc thoai thoải, bạn sẽ nghe được tiếng chim lấp ló trong những bụi cây già, hòa vào dòng người địa phương đi tập thể dục trên đỉnh núi, và bắt gặp mặt trời buổi hoàng hôn ẩn hiện sau những cành cây sứ được đích thân vua Bảo Đại mang đến đây trồng. Từ vị trí biệt thự của vua Bảo Đại nhìn xuống, khung cảnh hồ Lăk hiện ra êm đềm, lại thêm phần thơ mộng dưới lớp nắng hoàng hôn.
Ảnh: Internet
Bên hồ Lắk có buôn Jun, buôn M'Liêng (buôn cổ nhất và còn nhiều hoang sơ), buôn Lê - những buôn làng tiêu biểu của dân tộc M'Nông. Nếu muốn tìm hiểu cuộc sống các dân tộc, bạn có thể liên hệ Khu Du lịch Sinh thái Vân Long.
Tại đây tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho các nhóm khách như múa lửa, diễn xướng cồng chiêng, đi thuyền độc mộc, đạp xe khám phá buôn làng, lưu trú trong nhà dài M’Nông…, đồng thời có nhà hàng phục vụ những món ăn đặc trưng của ẩm thực Tây Nguyên. Hoặc, nếu bạn muốn có một trải nghiệm trẻ trung, riêng tư và thư thái hơn, có thể tham khảo dịch vụ glamping mới mẻ của khu nghỉ dưỡng Lak Tented Camp.
Ảnh: Thắng Sói
Nếu có sẵn phương tiện đi lại, bạn cũng có thể chạy xe tới các điểm tham quan gần đó như cụm thác Dray Nur - Dray Sap, chỉ cách hồ Lăk khoảng 30 km.
ĐIỆP SƠN - CHỐN BÌNH YÊN XANH THẲM CỦA KHÁNH HÒA
Phù hợp với: cặp đôi, nhóm bạn, người thích sự yên tĩnh
Điệp Sơn là một dãy gồm ba hòn đảo nhỏ - Hòn Bịp, Hòn Giữa, Hòn Đuốc - thuộc vịnh Vân Phong, thị trấn Van Giã, tỉnh Khánh Hòa. Chính vì sự hoang sơ, ít được biết đến, lại sở hữu một con đường kéo dài gần 700 m giữa biển, Điệp Sơn sẽ là một điểm đến lý tưởng cho những người yêu biển xanh và sự yên tĩnh.
Nước biển ở Điệp Sơn trong vắt và sạch sẽ, có thể nhìn thấy tận đáy. Đặc trưng nhất của nơi này chính là con đường cát trắng giữa lòng biển xanh, đi xuyên qua ba đảo. Nếu muốn trải nghiệm dạo bước trên con đường nổi này, bạn cần để ý đúng thời điểm khi nước rút và con đường hiện ra: từ mùng 1 đến 15 âm lịch, nước rút vào buổi chiều; từ 15 đến cuối tháng âm lịch, nước sẽ rút vào buổi sáng.
Ảnh: Thắng Sói
Trên đảo không có nhiều hàng quán, cũng không có dịch vụ lưu trú nên du khách thường chỉ ghé đến và rời đi trong ngày bằng tàu. Nếu không sợ sự nhàm chán, bạn có thể chuẩn bị sẵn đồ đạc để cắm trại qua đêm ngay tại bãi biển. Vào buổi sáng, hãy dậy thật sớm để ngắm bình minh, trải nghiệm khung cảnh họp chợ đảo Điệp Sơn, hay theo chân các hộ dân chài để tìm hiểu cuộc sống mưu sinh thường nhật của họ. Trên đảo cũng đã có một số dịch vụ cho thuê thuyền kayak phục vụ du khách - vừa là một hoạt động vui chơi thú vị, vừa là một cách để khám phá đảo.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thuê tàu để khám phá tiếp những hòn đảo nhỏ xung quanh Điệp Sơn - những bãi biển hoang sơ, nước biển xanh ngắt, bờ cát trắng mịn và những cánh đồng cỏ lau lả lướt dập dìu…
Ảnh: Thắng Sói
Ảnh: Thắng Sói
Hiện nay Điệp Sơn vẫn còn là một điểm đến mới lạ ở Khánh Hòa, nhưng nơi này đã bắt đầu đón nhận những dự án bất động sản nghỉ dưỡng đầu tiên, vậy nên đây sẽ là thời điểm lý tưởng để bạn khám phá hòn đảo - khi sự nguyên sơ còn vẹn nguyên ở nơi này.