Cởi bỏ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp

Quy mô và mức độ cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang có cơ hội mở rộng, khi các kế hoạch cắt bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh liêp tiếp được công bố.
Cởi bỏ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp

Với giới kinh doanh, đây không chỉ là cơ hội gia nhập thị trường với chi phí rẻ hơn, an toàn hơn, mà còn là cơ hội để họ cạnh tranh bằng năng lực, năng suất, sáng tạo, thay vì các mối quan hệ ngoài kinh doanh khác như lâu nay.

Vài ngày trước, Bộ Xây dựng đã chính thức công bố sẽ bãi bỏ 41,3% và đơn giản hóa 43,7% trong tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực mà bộ này quản lý. Như vậy, chỉ còn khoảng 15% số điều kiện kinh doanh hiện hành được giữ lại. Trong danh sách sẽ bãi bỏ, có những điều kiện kinh doanh mà Bộ Xây dựng đã kiên quyết bảo vệ suốt 2 năm qua, kể từ khi đợt tổng ra soát điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư 2014 được thực hiện. Chẳng hạn như ngành kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản...

Trước đó, sau “phát súng” mở màn của Bộ Công thương với kế hoạch cắt giảm, sửa đổi 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng công bố đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh (chiếm 34,2% tổng số điều kiện kinh doanh của ngành). Bộ Y tế công bố đề xuất cắt giảm 36 điều kiện sản xuất, kinh doanh, chiếm gần 14% trên tổng số điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do bộ này quản lý.

Tác động tràn đó đang lan rộng tới các bộ, ngành, địa phương với động lực cạnh tranh khá rõ. Rất có thể, danh mục các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ, sửa đổi sẽ vượt qua hạn mức 1/3 đến 1/2 mà Thủ tướng đang giao.

Nhưng cơ hội gia nhập thị trường, cơ hội cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng nhờ cởi bỏ các điều kiện ràng buộc phi lý, không cần thiết này sẽ được hiện thực hóa thế nào vẫn đang là câu hỏi từ giới kinh doanh. Trong số các kế hoạch cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh mà các bộ, ngành đã công bố, nhiều kế hoạch chưa đi kèm với phương án sửa đổi, trong khi nội dung này mới thực sự quyết định cơ hội cạnh tranh, kinh doanh có thực sự được cởi trói hay không.

Phải nhắc lại, nhiều điều kiện kinh doanh hiện hành đang chứa đựng không ít ràng buộc làm khó cho doanh nghiệp, mang tính áp đặt, thậm chí triệt tiêu sức sáng tạo, nhu cầu đổi mới công nghệ, quản lý. Đơn cử kinh doanh logistics lại cần điều kiện có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu; kinh doanh taxi phải có 5-20 đầu xe, phải có phương án kinh doanh được duyệt, trong khi doanh nghiệp có thể đi thuê ngoài hay có quyền tự chủ với phương án kinh doanh dựa trên tín hiệu thị trường. Hay các điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho chứa tại địa điểm hoạt động xuất nhập khẩu; doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải có đủ thiết bị sản xuất từ vỏ mũ, mút xốp, đinh tán… Việc áp đặt các điều kiện đó vô hình trung đã chặn đứng cơ hội phát triển chuỗi ngành sản xuất chuyên nghiệp.

Trong Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017, các chuyên gia tư vấn thậm chí đã nhắc tới hệ lụy mà nền kinh tế Việt Nam đang phải gánh khi hệ thống điều kiện kinh doanh bó buộc tính cạnh tranh của thị trường, năng lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là nền kinh tế thiếu năng động, hiệu suất sử dụng các nguồn lực không cao trong khi tiềm năng phát triển, tăng trưởng còn rất lớn.

Có lẽ vào thời điểm này, trước khi thiết lập cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ, cải thiện năng suất, chất lượng... thì nỗ lực cởi bỏ các rào cản để cạnh tranh phát triển là một trong những giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu.

baodautu.vn/coi-bo-dieu-kien-kinh-doanh-d74233.htmhttp://baodautu.vn/coi-bo-dieu-kien-kinh-doanh-d74233.html

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...