Con đường từ thăng hoa đến lỗ nặng của Tập đoàn Hoa Sen

Từ một cơ sở bán tôn tới một công ty có vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng và trở thành một tập đoàn với doanh số trên 11 nghìn tỷ đồng, nhưng từ năm 2017 – 2018, tập đoàn Hoa Sen bất ngờ rơi vào vòng xoáy nợ
Con đường từ thăng hoa đến lỗ nặng của Tập đoàn Hoa Sen

CTCP Hoa Sen tiền thân của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) được thành lập vào năm 2001 với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng và 22 nhân viên hoạt động chính trong ngành sản xuất tấm lợp bằng thép mạ kẽm, hợp kim nhôm mạ kẽm; ống thép mạ kẽm; lưới thép mạ, dâp thép mạ; sản xuất ống nhựa…..

Theo VnEconomy, doanh thu năm đầu tiên của Hoa Sen Group chỉ đạt 3 tỷ đồng. Sau 12 năm, các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận đã tăng vọt. Niên độ tài chính 2012 - 2013, Tập đoàn Hoa Sen ước sản lượng tiêu thụ đạt gần 627 nghìn tấn, hoàn thành 115% kế hoạch, trong đó sản lượng xuất khẩu đạt 279 nghìn tấn hoàn thành 122% kế hoạch. Doanh thu ước đạt 11.700 tỷ đồng, hoàn thành 106% kế hoạch, trong đó doanh thu xuất khẩu trên 250 triệu USD; lợi nhuận sau thuế ước đạt 580 tỷ đồng, hoàn thành 145% kế hoạch

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, HSG có hơn 10 nhà máy sản xuất và 371 chi nhánh phủ khắp từ Bắc và Nam. Năm 2017, HSG chính thức đặt chân vào những doanh nghiệp tỷ đô của Việt Nam khi ghi dấu doanh thu thuần năm tài chính 2016 – 2017 lên đến 26.149 tỷ đồng.

Đồng thời, Tập đoàn Hoa Sen giữ vị thế dẫn đầu tại thị trường nội địa với hệ thống phân phối liên tục được mở rộng, mạnh, sản phẩm đang chiếm hơn 34% thị phần tôn mạ và gần 20% thị phần ống thép. Bên cạnh đó, HSG cũng xuất khẩu sản phẩm đến hơn 70 Quốc gia/lãnh thổ.

Tuy nhiên, cũng chính trong năm 2017, nợ phải trả của Hoa Sen Group đã tăng đột biến và tiếp tục xu hướng này trong năm 2018, đi kèm với xu hướng tăng nợ vay là tỷ suất lợi nhuận giảm và giá cổ phiếu giảm.

Theo Zing, nợ phải trả của Hoa Sen Group đã tăng vọt từ mức 8.180 tỷ đồng cuối năm tài chính 2016 lên mức 16.268 tỷ đồng cuối năm 2017, với tỷ lệ tăng 99%, rất cao so với mức độ tăng nợ phải trả là 25% của năm 2016. Sự gia tăng nợ phải trả đột biến của Tập đoàn năm 2017 là nhằm tài trợ cho sự tăng trưởng đột biến về tài sản (gia tăng vốn lưu động và vốn cố định) trong năm 2017.

Kết thúc năm tài chính 2017, Hoa Sen Group tiếp tục duy trì vị thế số 1 trên thị trường tôn mạ Việt Nam, chiếm 34,3% thị phần, doanh thu thuần đạt 26.149 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm từ mức 1.504 tỷ đồng năm 2016 xuống mức 1.331 tỷ đồng năm 2017 với tỷ lệ giảm là 11,5%.

Chỉ số tiêu cực này còn kéo dài sang đến đầu năm nay, với báo cáo quý I chỉ có 87 tỷ đồng lợi nhuận (thấp nhất trong 4 năm qua).

Ngoài việc lợi nhuận giảm mạnh, theo Vietnam Finance, một trong những điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính của Hoa Sen Group lần này là việc nợ vay tăng rất mạnh.

Tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) của Hoa Sen Group lên đến 17.053 tỷ đồng, tăng 44% chỉ sau ba tháng, tương ứng tăng trên 5.000 tỷ đồng.Với mức vốn chủ sở hữu (vốn tự có) 5.500 tỷ đồng, nợ vay của Hoa Sen Group hiện đã gấp tới 3,1 lần vốn chủ sở hữu – mức rất cao và tiềm ẩn rủi ro tài chính. Ba tháng trước, con số trên là 2,3 lần. Thông thường, nợ vay gấp 2 lần vốn chủ sở hữu đã được coi là mức cao.

Việc nợ vay của Hoa Sen Group tăng mạnh một phần lớn là do tập đoàn này đang "gặp khó" trong vấn đề dòng tiền. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý vừa qua của Hoa Sen âm rất nặng, tới 4.384 tỷ đồng. Cùng kỳ niên độ trước, dòng tiền kinh doanh của tập đoàn này cũng âm với lượng lớn 1.632 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm, trong khi vẫn phải liên tục gia tăng đầu tư (khiến dòng tiền đầu tư cũng âm – quý vừa qua âm 607 tỷ) buộc Hoa Sen Group phải bù đắp dòng tiền từ hoạt động tài chính, cụ thể là bù đắp bằng đi vay.

Chỉ trong 3 tháng, Tập đoàn Hoa Sen đã phải đi vay tổng cộng tới 10.983 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ), trong khi đó, tiền trả nợ gốc vay là 5.773 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính theo đó dương trên 5.200 tỷ đồng, bù đắp lượng hụt dòng tiền gần 5.000 tỷ đồng của hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng tài sản của Hoa Sen Group đạt 24.108 tỷ đồng, tăng 12,5% sau ba tháng; tập trung chủ yếu ở hàng tồn kho (9.305 tỷ đồng), tài sản cố định (7.179 tỷ đồng) và các khoản phải thu ngắn hạn (3.148 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, theo Zing, các chỉ số tài chính ngày một xấu đi đã tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu. Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ giảm mạnh trong năm 2017, và càng tệ hại hơn từ đầu năm 2018. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, HSG dừng ở mức 23.970 đồng/cổ phiếu, giảm 3.890 đồng/cổ phiếu, tương đương 14% so với cuối năm 2016.

Qua 5 tháng đầu năm 2018, cổ phiếu HSG giảm 12.420 đồng/cổ phiếu, tương đương 51,8%, chỉ còn 11.550 đồng/cổ phiếu, gây áp lực rất lớn cho cổ đông.

Cũng trong 5 tháng này, vốn hóa thị trường Hoa Sen đã bốc hơi 4.347 tỷ đồng. Giá cổ phiếu lao dốc với biên độ rộng trong một thời gian ngắn khiến niềm tin cổ đông cũng dường như lung lay, và không ít trong số đó đang lên kế hoạch tháo chạy.
Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm, nơi bà Hoàng Thị Hương Xuân (vợ ông Lê Phước Vũ) làm Chủ tịch, đã đăng ký bán toàn bộ 5,49% vốn sở hữu ở Hoa Sen vào lúc giá cổ phiếu HSG đang ở mức thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp.

Bất ngờ hơn là trước đó chỉ thời gian ngắn, Công ty Tâm Thiện Tâm đã hoàn tất bán 5 triệu cổ phiếu HSG, giảm lượng sở hữu sau giao dịch tại doanh nghiệp này xuống còn hơn 19,21 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 5,49%. Chưa dừng lại, công ty này tiếp tục đăng ký bán hơn 19,21 triệu cổ phiếu HSG còn lại theo phương thức thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến từ 23/5 đến 21/6.

Không chỉ công ty “người nhà” thoái vốn mà những kế hoạch rút khỏi Hoa Sen cũng đã diễn ra. Điển hình như Vietnam Enterprise Investments Limited, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hoa Sen, đã bán 300.000 cổ phiếu HSG vào năm 2014.
Đến tháng 2/2018, Amersham Industries Limited đã bán 600.000 cổ phiếu HSG.

Theo Kiến thức

Có thể bạn quan tâm

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Với sự nỗ lực không ngừng, Vinpearl đã đạt được một cột mốc đáng ghi nhớ khi lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á. Thành công này là kết quả của quá trình đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng dịch vụ, không ngừng đổi mới và mở rộng quy mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho đại diện VNPT VinaPhone

VinaPhone 5G và MyTV được công nhận là Thương hiệu quốc gia

VinaPhone 5G và MyTV vừa vinh dự được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của VNPT trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường...

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel vừa chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dòng sơn ngoại thất Dulux Weathershield Royal Shine với tính năng tự làm sạch độc đáo. Đây là dòng sơn sở hữu công nghệ Hybrid Mineral tiên tiến, mang đến giải pháp bảo vệ vượt trội lên tới 12 năm dành cho phân khúc dinh thự cao cấp.