Suốt tuần qua, ngay trong dịp lễ 30/4 và 1/5 đã xuất hiện phong trào mang tên "Giải cứu phim Việt" trên mạng xã hội, kêu gọi khán giả ủng hộ 2 phim Lật mặt 3 và 100 ngày bên em chiếu cùng thời điểm với Avengers: Infinity war (Cuộc chiến vô cực) và bị phim bom tấn này "đè bẹp" ở tất cả các cụm rạp.
Theo thông cáo của nhà phát hành, công chiếu từ ngày 25 - 29/4, Avengers: Infinity war đã thu 100 tỷ đồng với 1,2 triệu vé bán ra, phá kỷ lục của Kong: Skull Island tại thị trường Việt Nam. Phim còn có doanh thu mở màn tại Việt Nam là 1,4 triệu USD (30,5 tỷ đồng), cao gấp 3 lần Em chưa 18.
Và khi Avengers: Infinity war chưa bớt "nóng" thì một loạt bom tấn khác chuẩn bị khởi chiếu, vì mùa hè vốn là "mùa bom tấn" đến từ Hollywood chiếm lĩnh hệ thống rạp trên toàn cầu (trong đó có Việt Nam).
Đó là Deadpool 2 (dự kiến ra rạp ngày 18/5), Solo: A Star Wars Story - Chiến tranh giữa các vì sao (25/5), Oceans Eleven (15/6), Jurassic World: Fallen Kingdom (22/6), Ant man and the Wasp (29/6), Skyscraper (13/7), Mama Mia: Yêu lần nữa (20/7), Nhiệm vụ bất khả thi: Sụp đổ (27/7)...
Chưa kể còn khá nhiều phim đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc... tuy không phải bom tấn nhưng hứa hẹn "ăn khách" không kém.
Trở lại với phim Việt, ngoài Lật mặt 3 và 100 ngày bên em, mùa hè này có thêm Yêu nữ siêu quậy - bộ phim hài hước pha chút ma mị và ngôn tình, 11 niềm hy vọng với đề tài về bóng đá, dự kiến công chiếu từ 11/5 tới.
Dự kiến khởi chiếu từ ngày 25/5, Nhắm mắt thấy mùa hè từng được chiếu sớm ở một vài nơi trên đất nước Nhật Bản và nhận được những lời khen ngợi của giới chuyên môn và khán giả. Em gái mưa - phiên bản điện ảnh được một đạo diễn trẻ lần đầu làm phim truyện dài phát triển dựa trên MV cùng tên rất được ưa chuộng của năm ngoái, dự kiến công chiếu từ ngày 1/6.
Sau 2 phim này có thể sẽ là khoảng trống dài mà phim Việt nhường hẳn thị phần cho phim ngoại, bởi ở thời điểm này chỉ thấy Chàng vợ của em (đạo diễn Charlie Nguyễn) dự kiến công chiếu vào ngày 28/8, trong khi một số phim khác như Song Lang, Tim hằn vết sẹo... từng lên lịch ra mắt vào tháng 5, tháng 7 nhưng đến nay vẫn im lìm. Các dự án đang được kỳ vọng là "bom tấn" của phim Việt 2018 như Người bất tử, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Hai Phượng... đều dự kiến công chiếu vào mùa cuối năm, "né" hẳn mùa phim hè cho "bom tấn" ngoại.
Ở những năm đầu thời mở cửa, điện ảnh Việt đã trải qua thời gian dài phải nhường hẳn mùa hè cho phim ngoại tung hoành trên sân nhà. Kể từ Dòng máu anh hùng (2007), phim Việt bắt đầu có mùa phim hè. Tuy phong độ không thật ổn định, song đã có những mùa hè phim Việt cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại ra mắt cùng thời điểm mà có phim doanh thu không thua kém, thậm chí còn hơn, như Em chưa 18 và Lật mặt 2 của năm ngoái.
Mấy năm gần đây, khán giả cũng bắt đầu quen với việc các nhà sản xuất phim Việt đổi từ tập trung vào mùa phim Tết sang tập trung cho phim chiếu vào mùa hè để tận dụng sức hút của hiệu ứng khán giả đến rạp từ các phim bom tấn ngoại. Nhưng mùa hè năm nay, rõ ràng với những bom tấn ngoại kể trên, hy vọng Yêu nữ siêu quậy hay 11 niềm hy vọng, Nhắm mắt thấy mùa hè, Em gái mưa... có thể đảo ngược thế cờ có lẽ chỉ là "giấc mơ ngọt ngào" cho phim Việt.
Không kể gì mùa hè, trước đó, ngay sau mùa phim Tết đầy phấn khích với sự ăn khách bất ngờ của Siêu sao siêu ngố, đã có một loạt phim như Bước chân an lạc, Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Thử yêu rồi biết, Hạ cuối tình đầu, Yêu em bất chấp... chen nhau ra rạp trong tháng 3 và đầu tháng 4, nhưng chỉ có 2 phim thành công tương đối, còn thì im hơi lặng tiếng rồi lặng lẽ biến mất khỏi rạp.
Nhiều năm qua và gần đây chúng ta từng phát động phong trào "giải cứu nông sản Việt", nhưng phong trào "giải cứu phim Việt" vừa phát động đã gây tranh cãi. Bởi lẽ, nông sản có chất lượng không có được kênh phân phối hợp lý nên người sản xuất và người tiêu dùng không gặp được nhau, còn phim Việt hiện nay đang được chiếu rộng rãi trên hệ thống rạp hiện đại gần khắp cả nước, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng cho khán giả.
Hiện tại, CGV đang có 63 cụm rạp, Lotte có 38, Galaxy Cinema có 15, BHD có 9... Và CGV mới công bố đầu tư thêm 200 triệu USD nữa vào thị trường điện ảnh Việt Nam cho đến năm 2020 với số cụm rạp tăng lên mỗi tháng.
Như thế, việc giải cứu rõ ràng là chưa hợp tình và hợp lý. Bởi với khán giả, xem phim là để thỏa mãn nhu cầu giải trí, cùng một giá vé, họ có quyền cân nhắc và lựa chọn bộ phim nào hợp gu và chất lượng, đâu kể phim nội hay phim ngoại. Cũng không thể trách các chủ rạp không ưu ái phim Việt, bởi lẽ họ dựa trên nhu cầu của khán giả để quyết định số suất chiếu, giờ chiếu với những bộ phim hay hoặc dở nhằm đảm bảo doanh thu.
Hiện nay chủ rạp là những người phải bỏ tiền túi đầu tư hàng chục tỷ đồng (ít nhất là 40 tỷ, cao nhất là hơn 100 tỷ/cụm) để xây rạp, trong khi phải chờ ít nhất sau 5 năm mới thu được lời. Nhưng ở nước ta vẫn chưa có bất cứ cơ chế tài chính nào hỗ trợ cho những rạp ưu tiên chiếu phim Việt, hay chính sách bảo hộ phim nội địa như ở Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ...
Cho nên, trên các diễn đàn có khá nhiều ý kiến cho rằng, muốn được "giải cứu" thì trước tiên các nhà làm phim Việt phải có được những bộ phim thực sự chất lượng để cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại. Xem ra điều này không dễ dàng với thực trạng của việc sản xuất và đầu tư cho phim Việt hiện nay.
Theo Doanh nhân Sài Gòn