9 luật gồm: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Giới thiệu về những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Luật từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước, đổi mới căn bản phương thức kê khai tài sản để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hằng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.
Về xử lý tham nhũng, ông Nguyễn Văn Thanh thông tin, đây là chương có nhiều nội dung mới được bổ sung, liệt kê cụ thể các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và nguyên tắc xử lý các hành vi này, thể hiện tính nghiêm minh trong phòng, chống tham nhũngVề Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, điểm mới của luật là tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. Theo đó, hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng và giáo viên theo quy định pháp luật.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định rõ vị trí, vai trò của cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển với 3 chức năng, 7 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Các luật còn lại có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.