Cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết, tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường

VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường, mở rộng liên kết hợp tác với đối tác quốc tế trên tinh thần cùng thành công...

Đó là yêu cầu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra sáng nay (26/4), tại Hà Nội.

Đặt lợi ích doanh nghiệp gắn liền với lợi ích của đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trải qua 60 năm, VCCI đã nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Từ đó góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết, tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống VCCI

"Mỗi lực lượng trong xã hội đều có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng để đất nước giàu mạnh thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là đội ngũ tiên phong, chủ lực trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh và độc lập, tự chủ của nền kinh tế”, Chủ tịch nước phát biểu. 

Chủ tịch nước khẳng định, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự lớn mạnh sau gần 40 năm đổi mới, đã xuất hiện nhiều doanh nhân thành đạt tầm quốc, các tập đoàn tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh với nước ngoài...

Thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường, mở rộng liên kết hợp tác với đối tác quốc tế trên tinh thần cùng thành công.

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, mỗi doanh nhân phải nhận thức rõ vai trò trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đoàn kết, hợp tác với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, doanh nhân phải tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng. Đây là điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Mỗi doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, biết điều gì đúng nên làm để phát huy, điều gì sai không nên làm.

“Tôi khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, việc xử lý sai phạm đối với một số doanh nghiệp, cá nhân thời gian qua cho thấy yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch hơn cho doanh nghiệp. Để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra và xã hội, để loại bỏ những phần tử thoái hoá biến chất trong cơ quan nhà nước”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chia sẻ với doanh nghiệp doanh nhân về thách thức, khó khăn đang gặp phải, Chủ tịch nước cho rằng, thách thức này cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp doanh nhân đổi mới để trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua khó khăn. Từ đó xây dựng thương hiệu Việt để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu, trong xây dựng doanh nghiệp, doanh nhân cần hướng đến việc khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong doanh nghiệp. Không chỉ tạo ra tỷ phú mà cần tạo ra tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực mạnh, khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, sở hữu công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, hoạt động tầm đa quốc gia.

VCCI đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, sau 60 năm ra đời, VCCI luôn là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Định kỳ hàng tháng, hàng quý VCCI tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để xử lý, giải quyết.

Cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết, tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

“Nhìn lại chặng đường phát triển 60 năm, chúng ta tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa tiên phong của các thế hệ hội viên, cán bộ, nhân viên VCCI đối với công cuộc đổi mới, đối với sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

Theo người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, những “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

“Một trọng tâm lớn nữa mà VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh để tự định vị bản sắc và vị thế của mình trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp quốc tế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. 

Đánh giá về vai trò của VCCI, ông Võ Quốc Thắng - Uỷ viên BCH VCCI khoá VII, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đồng Tâm khẳng định, VCCI đã trở thành là cầu nối hiệu quả, chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện gặp gỡ chia sẻ, đối thoại giữa các bên. Thông qua các hội thành viên, VCCI kịp thời tập hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, từ đó nghiên cứu tìm giải pháp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoạt động ổn định. Hoạt động của tổ chức và hiệp hội trực thuộc dưới sự dẫn dắt, điều phối của VCCI có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung hoạt động phong phú và hiệu quả.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Thắng cũng kỳ vọng VCCI nâng cao chất và lượng trong hoạt động, phát huy vai trò là tổ chức tập hợp, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp trong các hoạt động, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm