Sử dụng nguyên liệu hết hạn để sản xuất kem, Công ty Tràng Tiền số 10 đối diện với hình phạt nào?

Lực lượng chức năng của TP. Hà Nội vừa phát hiện Công ty Tràng Tiền số 10 sử dụng nguyên liệu hết hạn để sản xuất kem...

Việc phát hiện hành vi trên của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 (Công ty Tràng Tiền số 10) nằm trong kế hoạch triển khai cao điểm kiểm tra trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm của các lực lượng chức năng TP. Hà Nội.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được từ Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, chiều tối ngày 25/4/2023 lực lượng chức năng của thành phố gồm Quản lý thị trường và Công an tiến hành kiểm tra Công ty Tràng Tiền số 10 tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.

Kết thúc quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng kem sữa đặc có đường do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng ghi trên vỏ hộp, số lượng gần 9.400 hộp (tương đương gần 10 tấn) và 30.000 que kem thành phẩm, trên bao bì ghi Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10.

Giám đốc công ty trình bày, số hàng trên được bà mua về để làm nguyên liệu sản xuất. Đối với số kem thành phẩm lực lượng chức năng kiểm đếm vừa được sản xuất trong ngày và dùng nguyên liệu từ lô kem sữa hết hạn sử dụng đang hiện hữu, chủ cơ sở cho biết, đối với mỗi que kem thành phẩm được bán ra với giá 1.800 đồng/ que.

Trước hành vi trên của Công ty Tràng Tiền số 10, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập các thủ tục hành chính để tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Sử dụng nguyên liệu hết hạn để sản xuất kem, Công ty Tràng Tiền số 10 đối diện với hình phạt nào?

Hạn sử dụng của hàng hóa được quy định rất rõ trong Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp cá nhân, tổ chức nếu vi phạm tùy vào giá trị của hàng hóa vi phạm sẽ có mức xử phạt hành chính khác nhau, gồm hai hình thức là cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền dao động từ 300.000 đồng đến 50.000.000 đồng và phạt gấp hai lần nếu là người xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm trong một số trường hợp nhất định. Ngoài hình thức xử phạt chính thì còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật và phương tiện thực hiện hành vi vi phạm đồng thời tiêu hủy tang vật gây hại và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.

Về xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định rất rõ về các hành vi vi phạm liên quan đến bán hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạng sử dụng. Cụ thể, ngoài mức phạt tiền lên đến 500.000.000 đồng, người phạm tội còn phải chịu mức hình phạt tù thấp nhất là 01 năm, cao nhất là 20 năm, cũng như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Theo quy định, tất cả hàng hóa khi hết hạn sử dụng sẽ phải tiêu hủy, chỉ một số ít trường hợp có thể tái chế để sử dụng, tận dụng nhưng cũng phải theo quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Việc lưu thông, sử dụng sản phẩm, hàng hóa hết hạn, nhất là các loại thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm… gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

Song, một số nhà phân phối, bán lẻ vẫn lén lút đưa ra thị trường tiêu thụ, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Minh chứng điều này, cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra các hàng hóa hết hạn sử dụng vẫn được công khai bày bán.

Do đó, để đẩy lùi hành vi sai trái này các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi mua bán hàng hóa hết hạn sử dụng. Đối với người tiêu dùng cần có trách nhiệm trong việc tự bảo vệ mình, không mua, bán, sử dụng hàng hóa hết hạn sử dụng. Đặc biệt, tố cáo hành vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, nhà phân phối, bán lẻ cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm