Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu

“Anh là người con của Bến Tre và là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế dừa, người có nhiều kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp chế biến dừa mà anh bỏ quê hương lên Sài Gòn làm giàu thì anh thấy có vui không”?
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu

Tính về Sài Gòn để dành thời gian cho vợ con, cho gia đình sau nhiều năm gắn bó với cây dừa, với Bến Tre nhưng đến phút cuối, doanh nhân Trần Văn Đức lại bị níu chân trước sự chia sẻ chân thành của lãnh đạo địa phương: “Anh là người con của Bến Tre và là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế dừa, là người có nhiều kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp chế biến dừa mà anh bỏ quê hương lên Sài Gòn làm giàu thì anh thấy có vui không”?

Câu hỏi và cũng là lời tâm tình đó đã khiến tâm can doanh nhân Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) đau nhói. Bao nhiêu năm gắn bó với cây dừa là bấy nhiêu năm ông dốc hết tất cả tâm lực, trí lực và tài lực cho nó. Giờ nói bỏ nó để lên Sài Gòn là quyết định khá khó khăn với ông. Thế nên khi nghe những lời nói đó và nhiều lời động viên của người thân ông đã quyết định ở lại và thành lập Beinco, tiếp tục gắn bó với loài cây mang biểu tượng của quê hương Bến Tre của mình.

Doanh nhân Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi được hỏi “anh bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu anh thấy có vui không?”
Doanh nhân Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi được hỏi “anh bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu anh thấy có vui không?”
Doanh nhân Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi được hỏi “anh bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu anh thấy có vui không?”
Doanh nhân Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi được hỏi “anh bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu anh thấy có vui không?”
Doanh nhân Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi được hỏi “anh bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu anh thấy có vui không?”

Chính sự cống hiến không ngừng nghỉ cho ngành dừa đó, mới đây, ông đã được vinh danh là một trong những “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 do VCCI tổ chức và bình chọn. Trước sự kiện này, Thương Gia đã có một cuộc trò chuyện đầy sự cởi mở với vị doanh nhân này mà theo ông nhận xét là chưa bao giờ ông dành thời gian chia sẻ với báo chí nhiều đến thế.

ĐẠO ĐỨC KINH DOANH LUÔN ĐƯỢC ĐỀ CAO MỌI LÚC MỌI NƠI !

Như ông biết, khác với các năm trước, việc bình chọn và tôn vinh doanh nhân tiêu biểu năm nay đã đưa tiêu chí “đạo đức doanh nhân” vào việc bình xét. Ông đã thực hành tiêu chí này như thế nào, thưa ông?

Theo tôi đã là một Doanh nhân thì “Đạo đức Doanh nhân” là tư chất, là tiêu chuẩn căn bản của người lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là nền tảng cho sự ổn định và phát triển doanh nghiệp lâu dài.

Đã là một Doanh nhân thì “Đạo đức Doanh nhân” là tiêu chuẩn căn bản của người lãnh đạo doanh nghiệp.

Là một doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm nên ngay từ đầu tôi xác định lấy cộng đồng là trọng tâm để phục vụ, thực hiện sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tôi cũng luôn trung thực với khách hàng, với người tiêu dùng để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài cho Beinco. Bên cạnh đó, sự liêm chính là một trong những tiêu chí phải gắn liền với vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp.

Một doanh nhân mẫu mực thực hành đạo đức kinh doanh không chỉ với bản thân, với gia đình, với xã hội mà còn với hệ thống mình đang quản trị, điều hành. Đặc biệt, luôn tạo niềm tin để cho khách hàng cảm thấy Beinco là đối tác đáng tin cậy và rất thiện chí khi hợp tác.

Việc thực hành đạo đức kinh doanh luôn được tôi đề cao mọi lúc mọi nơi.

Ông có nghĩ rằng chính việc thực hành đó đã tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của Beinco?

Xét về góc độ nào đó, tôi nghĩ, đối tác cũng nhìn vào người lãnh đạo cao nhất và nhìn vào cả hệ thống của Beinco để chọn hợp tác hay không. Với một công ty mới ra đời, sản phẩm cũng mới mà lại thắng được những gói thầu từ các hệ thống siêu thị lớn của châu Âu, Mỹ thì đây là sự nỗ lực rất lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, sản phẩm của Beinco đã có mặt tại 43 quốc gia và nhiều hệ thống siêu thị tại thị trường châu Âu. Điều đó chứng tỏ hình ảnh của lãnh đạo đã tạo được niềm tin cho khách hàng, đồng thời có sự tác động không nhỏ vào hệ thống của mình.

Tôi từng nói chuyện với đội ngũ nhân sự Beinco, làm người quản lý, lãnh đạo phải là người nêu gương. Thông qua tấm gương của người lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, nhân viên  được truyền lửa, nỗ lực làm việc và tận tuỵ với công việc, cùng nhau thúc đẩy hoàn thành các công việc mà lãnh đạo đề ra. Tới giờ này, Beinco đạt được sự phát triển như vậy là nhờ công sức của cả hệ thống, của tập thể lãnh đạo cũng như dấu ấn của cá nhân.

Ngoài nguyên nhân cơ bản trên, tôi đoán Beinco đạt được những thành quả nhanh chóng như hiện nay cũng là nhờ ông đã đúc kết khá nhiều kinh nghiệm trên dưới 30 năm gắn bó với ngành chế biến dừa, thưa ông?

Cũng là một phần vì thời kỳ đầu tôi làm việc ở Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), lúc đó đa số sản xuất những sản phẩm thô như cơm dừa sấy, than gáo dừa, chỉ xơ dừa… Sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc của Betrimex, tôi đề xuất và thúc đẩy đầu tư Nhà máy Chế biến dừa Phong Nẩm, Nhà máy Giồng Trôm (Nhà máy TTC hiện nay). Đây đều là những nhà máy chế biến dừa hiện đại. Điều đó đã giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm khi thành lập Beinco.

Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu ảnh 6
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu ảnh 7
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu ảnh 8

Sự thành công của Beinco còn đến từ chủ trương cạnh tranh bằng sự khác biệt. Chúng tôi xác định cộng đồng là đối tượng để phục vụ khi sản phẩm luôn hướng đến tự nhiên, thân thiện với môi trường và tốt cho sức khoẻ con người. Từ đó Beinco không ngại thay đổi để phù hợp, để thích nghi và phát triển.

Đó cũng là sự nỗ lực từ nhiều giải pháp như đội ngũ kinh doanh và marketing của Beinco luôn năng động, xâm nhập thị trường trong và ngoài nước để nắm bắt xu thế tiêu dùng, đồng thời tham gia tất cả các hội chợ quốc tế từ Mỹ tới Đức hay Thái Lan... Những hội chợ thực phẩm và thức uống trên thế giới là cơ hội để Beinco quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường một cách rất hiệu quả.

Khi nghỉ ở Betrimex, bản thân tôi cũng đi rất nhiều nước trên giới để nghiên cứu về cây dừa, sản phẩm từ dừa, công nghệ chế biến dừa và thị trường dừa. Tôi rất mạnh dạn trong việc đầu tư kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại mặc dù kinh phí bỏ ra quá nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhưng nếu không có những lần “vung tiền” như vậy thì Beinco không thể “nở hoa kết trái” như ngày hôm nay.

"NGHĨ LẠI CẢNH ĐÓ TÔI THẤY VẪN ỚN LẠNH"!

Beinco tiến hành đầu tư dự án từ năm 2017 nhưng năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 lại gặp dịch Covid-19. Tôi nghĩ với một doanh nghiệp mới thành lập đã gặp ngay đại dịch thì việc trụ vững trong giai đoạn đó không phải là dễ dàng…

Với một doanh nghiệp mới ra đời mà gặp bao nhiêu biến cố như vậy quả đúng là không hề dễ dàng gì để trụ vững. Thời điểm đó khó khăn cứ dồn dập đến với Beinco. Có lúc chúng tôi xác định Beinco đã “chết lâm sàng”. Bởi không chỉ dính đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và hơn nửa đầu năm 2021 như chị đã biết mà chúng tôi còn bị ảnh hưởng rất lớn do nước mặn xâm nhập vào năm 2019.

Ông có thể nói rõ hơn, thưa ông?

Vì ảnh hưởng nặng bởi nước mặn xâm nhập Bến Tre khiến cho sản lượng dừa bị giảm, ảnh hưởng mạnh đến năng suất sản xuất, nhiều lúc Beinco phải nhập dừa trái từ Indonexia về để sản xuất. Chị biết không, lúc đó chúng tôi không có nước sinh hoạt luôn chứ đừng nói là có nước để sản xuất. Chúng tôi phải thuê sà lan hàng ngày vào tận tỉnh An Giang chở nước ngọt thô đầu nguồn về nhà máy xử lý. Nếu nước máy mua ở Bến Tre lúc chưa ngập mặn có giá tầm 10.000-11.000 VNĐ/khối thì khi chở nước thô từ An Giang về giá lên đến 15.000-16.000 VNĐ/khối. Rồi còn chi phí bỏ ra để xử lý nước trước khi đưa vào sản xuất nữa.

"Doanh nhân không phải lúc nào cũng hoành tráng. Nhiều khi họ trăn trở đến 2-3 giờ sáng nhưng cũng chỉ họ biết, vợ con nằm bên cạnh cũng không hay". 

Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức

Qua vụ nước xâm nhập mặn lại đến ngay những năm bị đại dịch Covid-19. Giai đoạn đó chúng tôi đã phải chi rất nhiều khoản như tiền kit test, tiền thuốc, chi phí thực hiện 3 tại chỗ cho công nhân ăn ngủ, nghỉ làm việc trong nhà máy trong thời gian hơn 4 tháng... Ngoài ra còn có rất nhiều chi phí phát sinh khác nữa.

Thời điểm đó, tôi thường trăn trở đến 2-3 giờ sáng là chuyện bình thường. Nào là lo cho người lao động, lo chi phí quản lý, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được nhiều… trong khi phải nuôi bộ máy lên hàng tỷ đồng/tháng. Giờ ngồi nghĩ lại cảnh đó tôi vẫn thấy ớn lạnh.

NIỀM TIN CỦA ĐỐI TÁC LÀ ĐỘNG LỰC CHO BEINCO BỨT PHÁ

Như vậy tròm trèm gần 3 năm Beinco gặp khó trong khi tuổi đời mới chỉ lên 5. Điều gì đã giúp Beinco vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn đó, thưa ông?

Đó là sự đồng lòng của cả hệ thống Beinco. Trong thời kỳ gian nan đó, khi biết tôi đang lo lắng, trăn trở, đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã động viên rất nhiều. Họ thường cho rằng tôi là người truyền lửa cho họ. Nhưng trong giai đoạn khó khăn đó, chính sự nhiệt huyết và tâm thế của đội ngũ cán bộ, công nhân đã truyền lửa cho tôi để tôi vững vàng lèo lái Beinco. Cũng chính sự đồng lòng, đồng tâm của cả hệ thống lúc ấy đã tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi rất quyết tâm vì danh dự, vì màu cờ sắc áo của Beinco. Từ đó hàng loạt các giải pháp được thực hiện, rồi từng bước ổn định và phát triển.

Đó còn là niềm tin của đối tác dành cho Beinco. Trong thời gian giãn cách, Beinco vẫn duy trì sản xuất để không mất chuỗi cung ứng. Mặc dù công suất lúc đó chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch và chấp nhận lỗ để duy trì chuỗi cung ứng. Nhưng cái được của Beinco chính là niềm tin của đối tác về một doanh nghiệp rất trách nhiệm, luôn thiện chí hợp tác, hướng đến sự phát triển bền vững, sẵn sàng chịu chi phí lớn để duy trì nguồn cung ứng cho thị trường.

Đó cũng là câu trả lời cho việc các sản phẩm của Beinco vẫn có mặt tại thị trường châu Âu, Mỹ trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo do đại dịch Covid gây ra: Xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, mọi thứ đều đình trệ và chi phí xuất khẩu tăng rất cao?

Đúng vậy. Vì nhu cầu của khách hàng và vì chữ Tín nên chúng tôi “bấm bụng” chịu lỗ để xuất khẩu trong bối cảnh logistics gặp khó, mọi chi phí phát sinh quá cao. Chị biết không, ngày thường một container đi Mỹ, Đức chỉ từ 2.500 – 3.000 USD. Nhưng ở thời điểm dịch giá lên tới 18.000-20.000 USD/container, đi châu Âu cũng từ 2.000 USD nhảy vọt lên tới 10.000 -12.000 USD/container đấy.

Doanh nhân Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi được hỏi “anh bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu anh thấy có vui không?”
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu
Doanh nhân Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi được hỏi “anh bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu anh thấy có vui không?”

Sự cố gắng đó của Beinco đã tạo niềm tin mạnh mẽ đối với khách hàng. Nên khi Việt Nam khống chế được dịch, các đối tác đã không ngần ngại đưa ra những lời đề nghị hợp tác với giá trị hợp đồng lớn hơn nhiều so với trước. Điều đó đã giúp Beinco duy trì được sự ổn định và bứt phá như hiện nay.

MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025 XÂY DỰNG ĐƯỢC 5.000 HA VÙNG NGUYÊN LIỆU HỮU CƠ

Một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động từ năm 2017, lại đứng trước khoản tài chính vừa đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng ông vẫn luôn đau đáu và bỏ ra không ít kinh phí để xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ. Tại sao ông lại chọn con đường nhiều chông gai, trắc trở như vậy bởi đi theo con đường hữu cơ đòi hỏi phải thực sự tâm huyết, giữ uy tín…?

Tôi xác định sản phẩm hữu cơ không những là xu hướng mà trong hiện tại nó cũng đang được người tiêu dùng đón nhận rất tốt vì những lợi ích mà nó mang lại. Không chỉ các nước tiên tiến tại châu Âu, châu Mỹ mà ngay cả thị trường trong nước, người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến sản phẩm hữu cơ.

Với quyết tâm đi theo hướng hữu cơ nên hiện Beinco đã phát triển được vùng nguyên liệu 1.200 ha dừa hữu cơ và mục tiêu đến năm 2025 là 5.000 ha.

Tức là còn 3 năm nữa để thực hiện. Mục tiêu đề ra như vậy có quá cao không, thưa ông?

Cũng cao đấy chị. Nhưng chúng tôi phải nỗ lực, phải quyết tâm vì với sản lượng này, với diện tích này chỉ đảm đương được khoảng chừng 20% công suất của nhà máy, 80% còn lại chạy các sản phẩm thường.

Có nghĩa là ông hướng tới 100% sản phẩm là hữu cơ?

Về lâu dài là phải hữu cơ hết. Tôi hướng tới năm 2032 Beinco phải sản xuất đều là các sản phẩm hữu cơ.

Theo ông, cái khó nhất khi xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ là gì và Beinco đã khắc phục điều đó bằng cách nào?

Cái khó thứ nhất là đất đai tại Bến Tre rất manh mún, quỹ đất không nhiều như ở Tây Nguyên hay ở miền Đông Nam Bộ nên khó xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ diện tích tập trung. Thành ra bắt buộc chúng tôi phải làm từ từ và từng bước một, lấy hợp tác với nông dân trồng dừa và bao tiêu sản phẩm làm nền tảng.

Thứ nữa, để thay đổi thói quen từ chăm bón vô cơ sang hữu cơ cho người nông dân cũng rất gian nan. Những hộ dân họ hiểu thì không sao nhưng có những hộ dân họ không chịu thay đổi thói quen canh tác, chúng tôi lại mất thời gian để tư vấn, thuyết phục họ. 

Đặc biệt đi theo hướng hữu cơ còn rất tốn kém vì chúng tôi thường đi từng bước. Từ hợp tác với địa phương, hợp tác với nông dân, hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc, rồi bao tiêu thu mua giá cao hơn giá thị trường 10-15% ... Công tác đánh giá chứng nhận Organic cũng tốn khá nhiều thời gian và chi phí nhưng vì sức khoẻ người tiêu dùng cũng như để bảo vệ môi trường nên chúng tôi vẫn chọn con đường hữu cơ để đi.

"TÔI DÀNH TẤT CẢ TÂM LỰC, TRÍ LỰC VÀ TÀI LỰC CHO CÂY DỪA"

Ông gắn bó với cây dừa từ khi nào, thưa ông?

Tôi là lính ở chiến trường Campuchia. Năm 1988 tôi xuất ngũ. Về quê nhà thấy cuộc sống người thân, người dân còn khó khăn quá nên tôi rất trăn trở. Tôi bắt đầu nghĩ phải làm gì đó để thay đổi, trước mắt là cải thiện cuộc sống của mình, của gia đình sau đó là giúp dân nghèo.

Dừa là cây kinh tế chủ lực của tỉnh Bến Tre với 75% người dân ở gắn bó với nó. Nhưng thời điểm đó ngành công nghiệp chế biến dừa rất lạc hậu. Chủ yếu người dân lấy cùi dừa (cơm dừa) đem phơi khô rồi bán cho các cơ sở ép dầu nên thu nhập rất thấp. Nước dừa họ bỏ đi hoặc tận dụng làm nước màu dừa, rất lãng phí. Công nghiệp chế biến dừa lạc hậu như vậy nên giá trị đem lại cho kinh tế tỉnh nhà rất hạn chế. Thực trạng đó đã khiến tôi luôn đau đáu trong lòng và mong muốn được đóng góp để góp phần tăng thu nhập cho người nông dân trồng dừa và góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà.

Tôi trăn trở cho cây dừa nhưng cũng đam mê dừa. Có thể nói lúc đó tôi đã dành tất cả tâm lực, trí lực và tài lực cho cây dừa và đến bây giờ vẫn vậy.

Tôi vẫn đang lấn cấn với câu trả lời này của ông. Tôi nghĩ còn có một nguyên nhân rất đặc biệt nào đó vì khi xuất ngũ tính ra ông mới 23 tuổi – cái tuổi vẫn đang còn rất trẻ nhưng ông đã có tầm nhìn khác so với bạn đồng trang lứa?

Những năm tháng ở chiến trường Campuchia rất ác liệt. Luôn trong hoàn cảnh cận kề giữa cái sống và cái chết đã cho tôi bản lĩnh và luôn hun đúc ý chí. Khi trở về từ chiến trường, tôi nghĩ mình rất may mắn so với biết bao đồng đội vì được về với thân hình lành lặn. Trong khi đó đồng đội tôi có đứa nằm lại không về, có đứa về thì không lành lặn, đứa mất chân, mất tay rồi bị mù mắt.... Chính sự may mắn đó đã thôi thúc tôi làm việc và tiếp tục cống hiến, phải sống làm sao để xứng đáng với bản thân, xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội, phải trở thành một người có ích cho xã hội.

Trở về từ chiến trường với thân hình lành lặn. Tôi nghĩ mình rất may mắn so với biết bao đồng đội khi  có đứa nằm lại không về, có đứa về thì không lành lặn, đứa mất chân, mất tay rồi bị mù mắt.... Chính sự may mắn đó đã thôi thúc tôi làm việc và tiếp tục cống hiến.

Bây giờ ngẫm nghĩ, tôi nhận thấy khi một cá nhân đã đạt được thành tựu nào đó thì vật chất đối với họ không còn quan trọng nữa. Bao trùm họ là niềm vui của sự cống hiến, là sự dấn thân, là trách nhiệm tạo việc làm với hàng ngàn lao động, với việc phát triển các sản phẩm tốt nhất có thể để phục vụ cộng đồng. Trách nhiệm đó khiến họ dốc toàn tâm để cống hiến, mong sản phẩm của mình lan tỏa khắp thế giới. Chứ chị nghĩ giờ mình ăn hết có bao nhiêu đâu mà phải làm việc quên đêm quên ngày đúng không. Nói là vậy nhưng cái họ nhận được trong đó có tôi là đã thực hiện được tâm nguyện của mình nên cảm thấy ấm lòng lắm.

Lúc đó ông đã làm gì để bắt đầu thực hiện được lý tưởng của mình, thưa ông?

Xuất ngũ về, tôi vào làm nhân viên công ty chuyên doanh dừa của tỉnh Bến Tre, sau là Công ty Chế biến Xuất Nhập khẩu dừa và Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) để làm việc. Qua thời gian được đề bạt vai trò lãnh đạo tôi chính thức thực hiện ước mơ của mình là đầu tư các nhà máy công nghệ cao, hiện đại để gia tăng giá trị cho trái dừa.

Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu ảnh 12
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu ảnh 13
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu ảnh 14
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu ảnh 15
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Đức: Tôi chạnh lòng khi có người nói tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn làm giàu ảnh 16

Vào 2012, khi đang đương chức Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), tôi đã đề xuất thành lập tiếp nhà máy chế biến dừa với quy mô hiện đại ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Nhà máy ra đời góp phần lớn trong việc tiêu thụ dừa cho người dân. Đây cũng là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của tỉnh Bến Tre. Sau đó do không đồng hành về chiến lược nên tôi tách ra và thành lập Cty CP Dừa Bến Tre (Beinco).

Tính đến giờ này từ ý tưởng đến triển khai thực hiện tôi đã góp phần xây dựng được 3 nhà máy chế biến dừa rất hiện đại tại Bến Tre với năng lực cạnh tranh ở cấp độ khu vực và thế giới.

"ANH BỎ BẾN TRE LÊN SÀI GÒN LÀM GIÀU ANH THẤY CÓ VUI KHÔNG?"

Gắn bó với cây dừa lâu năm như vậy nhưng đã bao giờ dù là trong suy nghĩ, ông muốn “rũ bỏ” khỏi cây dừa để khởi nghiệp ở một lĩnh vực khác, thưa ông?

Có chứ. Như chị biết, cây dừa cũng thăng trầm như các cây nông nghiệp khác. Hoạt động sản xuất-kinh doanh các sản phẩm từ dừa có những lúc thuận lợi nhưng có những lúc lại rất khó khăn vì tình trạng “được mùa mất giá” luôn diễn ra. Nhưng phần lớn là do công nghiệp chế biến dừa của địa phương chưa đáp ứng được công tác tiêu thụ dừa cho bà con. Điều đó khiến chúng tôi - những người làm trong ngành dừa Bến Tre luôn trăn trở, cảm thấy phải có trách nhiệm để cải thiện vấn đề đó.

Chúng tôi đang quyết tâm phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa để sớm hạn chế tình trạng này. Nếu ngành công nghiệp chế biến dừa được đầu tư căn cơ thì không có lý do nào dừa bị “rớt giá” khi “được mùa” như hiện nay nữa.

Trong quá trình khởi nghiệp, có ai đồng hành cùng ông không?

Tôi nhận được sự khuyến khích, chia sẻ và hỗ trợ lớn từ người thân, gia đình và bạn bè. Trong quá trình khởi lập và triển khai thực hiện luôn có nhiều người bên tôi. Tôi sống chân thành, tình cảm và trung thực với mọi người nên cũng nhận được sự hỗ trợ, sự động viên, sự chia sẻ lớn từ gia đình, từ bạn bạn bè, người thân và xã hội.

"Anh là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế dừa, là người con của Bến Tre, và là người có nhiều kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp chế biến dừa mà anh bỏ quê hương lên Sài Gòn làm giàu thì anh thấy có vui không?"

Ngay cả chính quyền địa phương cũng rất quan tâm. Thời điểm nghỉ ở Betrimex, tôi muốn về lại nhà ở Sài Gòn nghỉ ngơi một thời gian rồi mới thực hiện các dự án của mình. Nhưng một số anh em lãnh đạo địa phương tâm tình: "Anh là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế dừa, là người con của Bến Tre và là người có nhiều kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp chế biến dừa mà anh bỏ quê hương lên Sài Gòn làm giàu thì anh thấy có vui không?" Tôi cảm nhận được nỗi đau vì nó rơi đúng vào ngay tâm tư của mình. Và cái “đau” đó đã “đẻ” ra Beinco bấy giờ. (cười)

TÔI CHƯA THẤY VUI VỚI NỀN NÔNG NGHIỆP NƯỚC NHÀ

Khi mới bắt đầu xây dựng Beinco, ước mơ của ông là gì, thưa ông?

Tôi có một ước muốn là ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre phát triển, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, phải đảm đương tiêu thụ hết dừa cho người dân trồng dừa Bến Tre nói riêng và của cả Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tôi còn mong muốn nâng cao thu nhập cho người dân trồng dừa, góp phần cải thiện đời sống nông dân, nâng cao vị thế cây dừa Bến Tre.

Tôi cũng muốn các sản phẩm của Beinco lan toả khắp thế giới. Từng bước phát triển thương hiệu trong và ngoài nước.

Sau 5 năm, giấc mơ đó đã đạt được bao nhiêu phần trăm?

Tới giờ này mới thực hiện được khoảng 40-50%. (cười)

Mục tiêu của Beinco trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Beinco đang hướng tới nhiều mục tiêu như tối ưu sản xuất, mục tiêu về đầu tư, đặc biệt là về phát triển các sản phẩm mới. Nói chung chúng tôi còn nhiều mục tiêu lắm, nhiều kỳ vọng lắm. Tuy nhiên trước mắt phải tiếp tục đầu tư về mặt công nghệ để cải thiện chuỗi giá trị dừa nhằm đảm bảo được năng lực cạnh tranh. Thứ nữa là phấn đấu đến năm 2025 Beinco sẽ là một những công ty dừa hàng đầu của Việt Nam.

Riêng cá nhân thì điều ông mong muốn lúc này là gì?

Đất nước mình có thế mạnh về nông sản nhiệt đới, rất thuận lợi trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Tới giờ này tôi đi đã gần 30 quốc gia rồi nhưng dù đi đâu cũng thấy nông sản của họ không đa dạng bằng Việt Nam mình. Nhưng mình lại thua họ về kỹ thuật và quy mô canh tác; công nghiệp chế biến còn yếu, kim ngạch xuất khẩu nông sản chưa cao. Trình trạng nông dân được mùa mất giá vẫn diễn ra thường xuyên. Chị thấy như thế có buồn không?. Tại sao Việt Nam thiên nhiên ưu đãi hơn, đất đai màu mỡ hơn, nông dân thông minh, cần cù, chịu khó mà lại thua những đất nước có khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi hơn?

Tôi mong muốn mỗi người ở lĩnh vực của mình từ người nông dân, nhà khoa học, nhà đầu tư và ở góc độ nhà quản trị phải cố gắng làm sao phát triển, nâng tầm nền nông nghiệp nước nhà lên hơn nữa.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầy tâm tư này!

Thực hiện: Hồ Hường

Kỹ thuật: AICMS

Có thể bạn quan tâm