Cộng đồng thiểu số Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã ra đời như thế

Làm thế nào mà những người Việt Nam, với văn hóa và truyền thống đặc trưng, lại có thể hòa nhập và phát triển một cuộc sống mới tại một đất nước châu Âu hoàn toàn khác biệt như Cộng hòa Séc...

boj-o-mensinu.jpg
Từ trái sang phải: Bà Stehlíková; ông Karel Schwarzenberg; Kỹ sư Dương Viết Dũng; ông Kubice (Bộ trưởng Bộ nội vụ) và Ông Veselsky (Thứ trưởng Bộ nội vụ).

“MAY… TRONG RỦI”

Trong họa có phúc ! Chuyện đó thì liên quan gì tới Cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc?

Có, tất cả bắt đầu từ chuyện không may mắn với một người.

Từ năm 1998, Kỹ sư Dương Viết Dũng bị rơi vào trầm cảm nặng sau nhiều biến động về sức khỏe tới mức ông phải tìm tới trợ giúp của bác sĩ. Sự khủng hoảng và cơ duyên đã đưa anh đến gặp bà bác sĩ tâm lý Stehlíková.

Sau một thời gian chữa bệnh thường xuyên, anh Dũng và và Stehlíková nói chuyện và biết về nhau nhiều hơn. Bà Stehlíková là người gốc Kazastan, bác sĩ tốt nghiệp Đại Học Y tại Moskva, đã vươn lên trở thành bác sĩ tâm lý tại Cộng hòa Séc. Không chỉ vậy bà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bà được bầu là Ủy viên hội đồng Thành phố Chomutov từ năm 1998.

Trong thời gian chữa bệnh cho KS Dũng, bà đang là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thiểu số vùng Chomutov. Cùng mối quan tâm và nhiệt tình trong các hoạt động xã hội, bà mời KS Dũng tham gia Hội đồng Dân tộc thiểu số vùng Chomutov như đại diện cho cộng đồng Việt Nam ngày càng phát triển tại đây. Dù để là thành viên chính thức cần có quốc tịch Cộng hòa Séc nhưng KS Dương Viết Dũng đã được Hội đồng Dân tộc thiểu số vùng Chomutov bỏ phiếu thông qua như một thành viên thường trực.

Và thế là anh Dũng đã chăm chỉ tham gia các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc thiểu số vùng Chomutov. Cho đến một ngày, một sự kiện sẽ thay đổi vị thế của cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc.

THỜI THẾ: 2007

Một sự kiện xảy ra ảnh hưởng tới sự tham gia của anh Dũng vào Hội đồng Dân tộc thiểu số từ cấp tỉnh lên toàn quốc.

Năm 2007, lần đầu tiên Đảng Xanh mà bà Stehlíková là một trong những người của nhóm lãnh đạo lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội Cộng hòa Séc sau khi vượt qua ngưỡng 5% phiếu bầu ủng hộ. Đảng Xanh tham gia liên minh Chính phủ và bà Stehlíková trở thành Bộ trưởng bộ Nhân Quyền và Các Dân tộc Thiểu số Cộng hòa Séc. Theo chức năng, bà Stehlíková cũng trở thành Chủ tịch của Hội đồng thiểu số toàn Cộng hòa Séc.

narodni-mensina-2013-1.jpg
Tờ báo hàng đầu của CH Séc (DNES-Ngày Nay) đưa tin về Dân tộc thiểu số Việt Nam

Hội đồng thiểu số Cộng hòa Séc là một cơ quan trực thuộc Chính phủ Cộng hòa Séc, thành phần bao gồm Bộ trưởng bộ Nhân quyền và Các Dân tộc thiểu số (thay mặt cho Thủ tướng Cộng hòa Séc), đại diện của các dân tộc thiểu số (chính thức được công nhận) và đại diện của tất cả các bộ (mỗi bộ cử một thứ trưởng tham gia). Hội đồng thiểu số Cộng hòa Séc mỗi năm họp 2 đến 4 lần chính thức tại Trụ sở Chính phủ và có tiếng nói tham mưu góp phần giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới những sắc dân thiểu số trong nước.

Thời gian đó cộng đồng Việt Nam không phải là một sắc dân thiểu số nên không có đại diện chính thức trong hội đồng và không mấy ai trong cộng đồng Việt Nam biết về sự tồn tại của khái niệm dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc và sự tồn tại của một Hội đồng như vậy.

Tuy nhiên có quy chế ngoại lệ “Khách mời thường trực (Staly Host)” và ông Dương Viết Dũng đã được mời tham dự từ phần thứ tư phiên họp ngày 13/11/2007. Không chỉ vậy, ông Dũng còn được mời phát biểu để giới thiệu về cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho các thành viên Hội đồng Dân tộc thiểu số hôm đó.

Ông Milan Pospíšil, thư ký của Hội đồng Dân tộc thiểu số nhớ lại là tất cả mọi người đã dành cho ông Dũng một tràng vỗ tay. Ông giải thích: “Đây là cuộc họp làm việc mang tính hình thức nên ít khi có chuyện vỗ tay. Hôm đó là tràng vỗ tay tự phát dành cho phần phát biểu giới thiệu về cộng đồng Việt Nam gây ấn tượng của KS Dương Viết Dũng.”

Cộng đồng Việt Nam lần đầu tiên có đại diện (dù chỉ là khách mời thường trực, được phát biểu nhưng không có quyền biểu quyết) tại các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc thiểu số Chính phủ Cộng hòa Séc từ năm 2007. Và sự kiện này cũng được báo chí Séc ghi nhận lại.

Nhớ lại thời gian này, anh Dũng kể: “Thế là ròng rã lái xe lên Praha tham dự các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc thiểu số trong nhiều năm. Và mỗi phiên họp tôi lại ngồi gần đại diện của một dân tộc khác nhau, tranh thủ làm quen, chia sẻ với họ. Theo thời gian tôi quen gần hết tất cả các đại diện trong hội đồng.”

PHIÊN HỌP "BẤT THƯỜNG"

Vì là cơ quan tham mưu của Chính phủ nên các phiên họp của Hội đồng Dân tộc thiểu số đều tổ chức tại trụ sở Chính phủ Cộng hòa Séc. Tuy nhiên phiên họp tháng 1/2011 là phiên họp đặc biệt và ý nghĩa với cộng đồng Việt Nam, phiên họp lần đầu tiên tổ chức ngoài trụ sở Chính phủ và hơn thế, ở một nơi rất bất ngờ: Tại Trung Tâm Thương Mại Sapa, nơi được coi là Trung tâm không chính thức của người Việt tại Cộng hòa Séc. Một “Tiểu Hà Nội” ở giữa lòng châu Âu, giữa thủ đô Praha.

Bất thường phải có lý do. Chúng tôi tìm đến Dương Viết Dũng và hỏi: “Anh có liên quan gì tới nơi họp bất thường này không?”

“Thực ra là có và cũng hơi “cá nhân”’ một chút. Ngày 20/1 là ngày sinh nhật của mình” anh Dũng “thú nhận”.

Thì ra là vậy! Ngồi bên bãi biển hoang sơ của khu nhà nghỉ của anh tại bãi Sao ở Phú Quốc, anh Dũng nhớ lại: “Khi quyết định phiên họp đầu tiên năm 2011 là ngày 20/1, tôi đã biết là trùng với ngày sinh nhật của mình và đã nghĩ ngay tới một “âm mưu” nhỏ.” Nghỉ một lúc như thưởng thức lại quãng thời gian đó, anh Dũng kể tiếp: “Tôi đã nghĩ ngay tới việc mượn lý do sinh nhật đó để mời tất cả thành viên Hội đồng Dân tộc thiểu số đến thăm Trung tâm thương mại Sapa để giới thiệu với họ về cộng đồng Việt Nam. Đây là một cơ hội tuyệt vời. Tuy nhiên nếu chỉ là dự sinh nhật không thì chưa đủ. Cần hơn thế và thế là tôi nảy ra ý tưởng dời nơi tổ chức cuộc họp dù biết rằng đó sẽ là ngoại lệ chưa từng có từ trước đến nay.”

sapa-2011-a.jpg
Biên bản cuộc họp đặc biệt của “Hội đồng dân tộc thiểu số, Chính phủ Séc” lần đầu tiên tổ chức ngoài Văn phòng Chính phủ, tại Trung tâm thương mại Sapa, Praha.

“Ồ, vậy có phức tạp lắm không?” Chúng tôi rất tò mò. “Có, và phải biết cách", anh Dũng nói và kể tiếp, “Tôi gặp ông Milan Pospíšil, thư ký của hội đồng và đưa ra ý tưởng cùng mọi thuyết phục để buổi họp đầu năm 2011 sẽ tổ chức bên ngoài trụ sở CP Séc. Tất nhiên đưa cả lý do muốn mọi người (vì rất nhiều người chỉ đọc báo và chưa bao giờ bước chân và cũng chưa bao giờ có lý do bước chân vào Trung tâm thương mại Sapa của người Việt) và cả mượn lý do sinh nhật của tôi nữa. Ông Milan rất thích ý tưởng đó, hứa sẽ thông báo và hỏi ý kiến của Hội đồng Dân tộc thiểu số nhưng cũng không quên cảnh báo trước kết quả có thể sẽ không theo ý muốn vì chưa từng xảy ra điều như vậy bao giờ trong lịch sử của Hội đồng.”

“Và thật bất ngờ,” anh Dũng cười mãn nguyện “tháng 12/2010, ông Milan Pospíšil thông báo Hội đồng Dân tộc thiểu số đồng ý với đề nghị đó và yêu cầu ông Milan cùng mọi người chuẩn bị cho cuộc họp đặc biệt bên ngoài trụ sở Chính phủ đó.”

Và cuộc họp bất thường Hội đồng Dân tộc thiểu số ngày 20/1/2011 đã được tổ chức tại phòng họp của Trung tâm Thương mại Sapa và ông Hoàng Đình Thắng có cơ hội được thay mặt cộng đồng Việt Nam giới thiệu về những hoạt động, sinh hoạt của cộng đồng với thành viên Hội đồng và đông đảo khách mời hôm đó.

sapa-2011-b.jpg
Phần biên bản cuộc họp ghi chú về Lời mời dự sinh nhật Kỹ sư Dương Viết Dũng

Anh Dũng là người phát biểu cuối cùng nói về sự lớn mạnh của cộng đồng Việt Nam, những khó khăn trong quá trình hòa nhập… Điều thú vị nhất mà chính anh cũng không biết là chi tiết anh mời tất cả thành viên buổi họp sau đó tham dự lễ sinh nhật (không hình thức) tại Nhà Hàng Đông Đô đã được ghi vào biên bản chính thức của cuộc họp.

LUẬN CHIẾN NẢY LỬA

Đầu năm 2012, khi cảm thấy những bê bối liên quan tới Thủ tướng Petr Necas có thể sẽ dẫn tới khủng hoảng chính trị trong một thời gian không xác định, anh Dương Viết Dũng quyết định sẽ đưa vấn đề quy chế Dân tộc thiểu số đối với người Việt Nam tại Cộng hòa Séc ra phiên họp của Hội đồng Dân tộc thiểu số.

“Không mất gì, nhưng cũng không dễ dàng” anh Dũng nhớ lại, “vì sẽ có nhiều người phản đối, trước hết là đại diện của Bộ nội vụ tại Hội đồng Dân tộc thiểu số.”

Trong phiên họp ngày 20/2.2012, khi đại diện cộng đồng Bạch Nga (Belarus) và Việt Nam đưa ra đề nghị muốn có thành viên chính thức trong Hội đồng Dân tộc thiểu số (mà nhiều người nhầm với việc công nhận quy chế thiểu số) thì ngay lập tức đại diện Bộ Nội vụ Séc đã lên tiếng phản đối rõ ràng và khẳng định Cộng đồng Bạch Nga và Việt Nam không đủ điều kiện pháp lý được coi là Cộng đồng thiểu số tại CH

Trong biên bản phiên họp ngày 20/2/2012 ghi nhận: “Ông Veselsky, Thứ trưởng Bộ nội vụ truyền đạt lại quan điểm của Bộ nội vụ Séc không ủng hộ đề nghị bổ sung các thành viên mới của Hội đồng Dân tộc thiểu số vì Cộng đồng Bạch Nga và Việt Nam không đáp ứng đủ các điều kiện theo luật về cộng đồng sắc dân thiểu số, và cũng không thể nói đến quá trình lịch sử hình thành các cộng đồng này vì theo Bộ nội vụ, cả hai cộng đồng Bạch Nga và Việt Nam ra đời vì lý do di dân kinh tế và trong cả hai cộng đồng số người nước ngoài (không có quốc tịch Cộng hòa Séc) vượt xa số lượng người Séc gốc các dân tộc đó.

Nhưng ông Karel Schwarzenberg, khi đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao đang là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thiểu số, không đồng ý với Bộ nội vụ và nêu ra hàng loạt những điều kiện bảo đảm quy chế dân tộc thiểu số của cộng đồng Bạch Nga và Việt Nam (Điều 273 của Luật về các dân tộc thiểu số từ năm 2001). Trên thực tế, ông Schwarzenberg ủng hộ đề nghị này theo biên bản cuộc họp ngày 20/2/2012.

Đại diện Bộ nội vụ, ông Veselsky phản pháo lại và tuyên bố, những đại diện của Cộng đồng Việt Nam được mời làm khách tại Hội đồng Dân tộc thiểu số này không bảo vệ quyền lợi của cộng đồng những người Séc gốc Việt và hơn thế, cộng động Việt Nam chưa thể hiện sự hòa nhập vào xã hội Séc.

Theo biên bản cuộc họp, ông Dương Viết Dũng đã phản bác kịch liệt quan điểm này của ông Veselsky và chỉ ra sự hòa nhập của các thế hệ thứ hai, thứ ba cộng đồng Việt Nam, những thế hệ sinh ra, lớn lên và đi học bằng ngôn ngữ Séc, qua hệ thống trường học tại Séc đã và đang ngày càng đóng góp tích cực cho xã hội Séc như thế nào.

Ông Schwarzenberg kết thúc cuộc tranh luận về tính pháp lý dân tộc thiểu số của Cộng đồng Việt Nam và cho rằng: Tính pháp lý về yêu cầu quy chế thiểu số của Cộng đồng Việt Nam rất mạnh và quyền đề cử người đại diện vào Hội đồng Dân tộc thiểu số sẽ không cần bàn cãi nếu Bộ nội vụ chứng mình được rằng Cộng động này (Việt Nam) không đáp ứng đủ yêu cầu theo định nghĩa pháp lý của khái niệm Dân tộc thiểu số và bản thân cộng đồng này không muốn tham gia Hội đồng Dân tộc thiểu số. Cuộc tranh luận về quyền dân tộc thiểu số của cộng đồng Bạch Nga và Việt Nam tạm dừng tại đây và không đưa ra nghị quyết nào theo biên bản cuộc họp.

Khi được hỏi về những cuộc tranh luận nảy lửa này ngày đó, anh Dũng cười tự hào: “Thực ra khi quyết định sẽ nêu ra yêu cầu về quy chế dân tộc thiểu số cho cộng đồng Việt Nam tôi đã biết trước chắc chắn đại diện Bộ nội vụ sẽ phản đối, phản đối rất mạnh rồi.”

Anh dừng và như nhớ lại, “Trước đó tôi đã nhờ hai con gái đóng vai đại diện Bộ nội vụ phản biện lại để tôi chuẩn bị cách giải thích sao cho đúng nhất, hợp lý nhất và… không chỉ riêng cho Bộ nội vụ mà quan trọng không kém, cho tất cả các thành viên còn lại của Hội đồng Dân tộc thiểu số. Vì thế tôi nghĩ những gì mình trả lời đáp lại Bộ nội vụ hôm đó là rất tốt.”

Anh cũng nói thêm, không giấu sự khâm phục với ông Schwarzenberg: “Ông Schwarzenberg cho dừng cuộc tranh luận, sau đó ông yêu cầu các chuyên gia luật của Khoa Luật Trường ĐH Tổng Hợp Sác Lơ nghiên cứu và có ý kiến về vấn đề đó. Chưa hết, ông cũng yêu cầu cả thành viên chuyên gia về Luật các dân tộc thiểu số của Châu Âu cho bản đánh giá.”

“Và chuyện này,” Anh Dũng cười ranh mãnh, “Sau buổi họp, ông Schwarzenberg nói chuyện thêm với tôi và hứa sẽ thực hiện hai việc trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc: Hoàn thành trung tâm văn hóa cho dân tộc thiểu số Croatia và cho biểu quyết công nhận quy chế thiểu số cho cộng đồng Việt Nam và Bạch Nga.”

KHẨU CHIẾN TIẾP TỤC

Trong phiên họp tiếp theo của Hội đồng Dân tộc thiểu số ngày 28/5/2012 cuộc tranh luận về yêu cầu quy chế Dân tộc thiểu số của cộng đồng Việt nam và Bạch Nga tiếp tục diễn ra với nhiều chi tiết thú vị.

Trong phần 5 của cuộc họp, ông Schwarzenberg nêu lại vấn đề tiếp tục của phiên họp trước và yêu cầu các phân tích, đánh giá của các chuyên gia về yếu tố lịch sử của hai cộng đồng tại Cộng hòa Séc.

Ông Veselsky từ cương vị Thứ trưởng Bộ nội vụ khẳng định lại lần nữa quan điểm không ủng hộ đề nghị bầu bổ sung đại diện của Cộng đồng Bạch Nga và Việt Nam vào Hội đồng Dân tộc thiểu số. Theo ông Veselsky, Cộng đồng Bạch Nga không hề có một tổ chức dân sự nào (là một trong những điều kiện được coi là Dân tộc thiểu số) và Cộng đồng Việt Nam không đáp ứng đủ điều kiện theo pháp luật cấu thành sắc dân thiểu số tại Cộng hòa Séc.

Ông Dũng, trong phần trình bày của mình, nhấn mạnh sự tin tưởng là Cộng đồng Việt Nam đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện cần có như một dân tộc thiểu số. Theo ông Dũng, tại Cộng hòa Séc có ít nhất hàng chục các hội đoàn cộng đồng Việt Nam khác nhau, ngoài ra theo kết quả thống kê cuối cùng được công bố trong phiên họp trước, gần 30 nghìn người được thống kê ghi nhận liên quan đến nguồn gốc Việt Nam, như vậy đây là cộng đồng thiểu số lớn thứ ba tại Cộng hòa Séc về số lượng. Ngoài ra gần 60 ngàn người Việt Nam khác sống và có thẻ thường trú nhân tại Cộng hòa Séc. Ông Dũng cũng giới thiệu qua lịch sử hình thành cộng đồng Việt Nam từ những năm 50 của Thế kỷ trước.

Sau đó là phần phát biểu chuyên môn của Nhà Việt Nam học, Chủ tịch Câu Lạc bộ “Hanoi”, ông J. Kocourek về lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc. Đặc biệt, ông Kocourek chỉ ra chi tiết người Séc đầu tiên đến Việt Nam từ thế kỷ 14 và những học sinh Việt Nam đầu tiên đến Séc từ tận những năm 40 của thế kỷ trước.

nghe-ban-hang-potraviny.jpg
Nghề bán hàng Potraviny tại Cộng hòa Séc

Trong phần kết luận, ông Kocourek khẳng định Cộng đồng Việt Nam đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về Sắc dân thiểu số trên mọi phương diện: Dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử hình thành.... Theo ông Kocourek, quy chế Dân tộc thiểu số và thành viên trong Hội đồng Dân tộc thiểu số nên được thông qua và ông cũng nói thêm một điều quan trọng, rằng: Đối với cá nhân ông, quyết định công nhận đó chỉ là vấn đề thời gian khi nào sẽ xảy ra và không thể đảo ngược được khi các thế hệ tiếp theo gốc Việt đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội Séc sẽ trực tiếp có tiếng nói và yêu cầu.

Ông Schwarzenberg thông báo vấn đề này sẽ tiếp tục được trao đổi trong cuộc họp tiếp theo khi có đầy đủ phân tích về quy chế Dân tộc thiểu số theo luật năm 2001.

VÀ HỒI KẾT…

Trong phiên họp tiếp theo của Hội đồng Dân tộc thiểu số ngày 16/11/2012 vấn đề quy chế dân tộc thiểu số của Cộng động Bạch Nga và Việt Nam được đưa ra như đề tài trao đổi đầu tiên của phiên họp.

Sau khi điểm lại trao đổi từ những phiên họp trước, Hội đồng Dân tộc thiểu số đã lắng nghe trình bày của các chuyên gia từ Khoa luật, trường Đại học Tổng Hợp Charles Praha (là trường Đại học được thành lập từ Thế kỷ 14, lâu đời nhất Đông Âu).

Trong phân tích của mình, các chuyên gia có đưa ra quan điểm cho rằng Chính phủ Séc là người quyết định cuối cùng về đề nghị của hai cộng đồng và không bắt buộc phải phụ thuộc hay ràng buộc vào quan điểm của Hội đồng Dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Bộ nội vụ, ông Veselsky đưa ra nghi ngờ “cách hiểu” số liệu 30 nghìn người gốc Việt Nam được Cục thống kê nêu ra trong các cuộc họp trước. Theo ông, đó là số những người có quyền cư trú tại Cộng hòa Séc (dài hạn hay ngắn hạn) và theo thông tin từ Bộ nội vụ, chỉ có khoảng 900-1000 công dân Séc gốc Việt Nam.

Tuy nhiên, ông J. Plisek, Thứ trưởng Bộ ngoại giao (phó chủ tịch Hội đồng thiểu số) cho biết, trong luật tương ứng không quy định giới hạn số công dân Séc phải là bao nhiêu.

Sau thời gian tranh luận dài, ông Plisek đưa ra đề nghị bỏ phiếu về quyết định thay đổi chức năng của Hội đồng Dân tộc thiểu số và bầu thành viên mới của Hội đồng Dân tộc thiểu số. Đề nghị này sẽ được bỏ phiếu riêng biệt cho từng Cộng đồng và kết quả bỏ phiếu được hiểu chỉ là tham mưu cho Chính phủ.

Theo quyết định số 125, Hội đồng Dân tộc thiểu số tán thành (với 15 phiếu đồng ý, 0 phiếu phản đối, 2 phiếu trống) thông qua thay đổi chức năng của Hội đồng Dân tộc thiểu số và Bầu thành viên mới của Hội đồng Dân tộc thiểu số đối với Cộng đồng Việt Nam.

Sau đó nhiều báo Séc đưa tin về nguyện vọng muốn được công nhận là dân tộc thiểu số của cộng đồng Việt Nam cùng kết quả bỏ phiếu đã xuất hiện nhiều phản ứng trái ngược khác nhau. Khi có thông tin ông Schwarzenberg sẽ đệ trình chính phủ trong phiên họp sắp tới việc công nhận và bầu bổ sung các thành viên cộng đồng Bạc Nga và Việt Nam vào Hội đồng Dân tộc thiểu số của chính phủ, đích thân Bộ trưởng Nội vụ Séc, ông Jan Kubice đã lên tiếng tiếp tục phản đối và khẳng định lại quan điểm của Bộ Nội vụ từ năm 2012 không ủng hộ việc công nhận quy chế thiểu số với hai cộng đồng này.

Trả lời phỏng vấn Báo Quyền Lợi (Pravo), ông Kubice nói: “Tôi tin rằng cộng đồng Việt Nam đã lớn mạnh đến mức xứng đáng điều đó. Nhưng với tôi đây là một vấn đề tính nguyên tắc". Nhưng ông Kubice cũng nói thêm rằng, điều này không có nghĩa là ông có bất cứ điều gì chống lại những người Việt Nam bình thường và tử tế. Thậm chí, ông David Šeich (đảng Công Dân/ODS), Phó chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội cũng có ý kiến bảo lưu khi trả lời báo Quyền Lợi. Ông Karel Schwarzenberg không đồng ý và cho rằng cộng đồng Việt Nam đủ lớn mạnh và đáp ứng mọi tiêu chí của dân tộc thiểu số.

Việc công nhận quy chế dân tộc thiểu số sẽ giúp cộng đồng Việt Nam làm việc với các cơ quan nhà nước dễ dàng hơn và có thể hưởng tiền để hỗ trợ để phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Séc. Hàng năm hơn tám trăm trẻ em gốc Việt Nam được sinh ra tại Cộng hòa Séc.

Ngoài ra tiếng Việt sẽ được dạy như ngôn ngữ tùy chọn trong trường học và những thế hệ sau có thể được mang hai quốc tịch. Việc công nhận người Việt Nam là một dân tộc thiểu số cũng sẽ dẫn đến thực tế việc sử dụng song ngữ ở các địa phương có tỉ lệ người gốc Việt đủ đông và các công dân gốc Việt Nam sẽ được quyền sử dụng tiếng Việt khi làm việc với các cơ quan chính quyền.

Nhưng điều gì đến sẽ phải đến, dù Bộ Nội vụ không ủng hộ từ đầu nhưng Chính phủ Séc quyết định mở rộng hội đồng bao gồm đại diện của các dân tộc thiểu số Bạch Nga và Việt Nam theo đề nghị của chủ tịch hội đồng, bộ trưởng ngoại giao Karel Schwarzenberg (đang trong quá trình từ chức do Chính phủ giải thể) và bà Monika Shimunkova, Cao ủy viên về nhân quyền của chính phủ.

"Cả hai cộng đồng đã yêu cầu chính phủ điều này và tôi coi đó là một dấu hiệu tốt cho thấy nó đã đạt đến đỉnh cao sự chấp thuận vào cuối nhiệm kỳ. Họ có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của dân tộc thiểu số và tư vấn cho chính phủ.” Bà Shimunkova đã nói với báo Ngày Nay (iDNES.cz), bà cũng so sánh thêm “Trong Hội đồng Chính phủ có các dân tộc thiểu số nhỏ hơn cũng được đại diện ở đó.”

Để một cộng đồng là dân tộc thiểu số phải đáp ứng hai điều kiện cơ bản. Các cộng đồng của họ phải hoạt động trong lịch sử ở các vùng đất của Séc (thời gian chính xác không được chỉ định), và có đủ số lượng thành viên có quốc tịch Cộng hòa Séc (cũng không được nêu rõ). Tại phiên họp cuối cùng, Hội đồng Chính phủ đã thảo luận, làm rõ liệu Việt Nam và Bạch Nga có đáp ứng các yêu cầu này hay không. Riêng đại diện của Bộ Nội vụ nói riêng đã bảo lưu về quyết định không ủng hộ đề nghị này.

Kết quả quan trọng của một quá trình kéo dài từ năm 2007. Và ngày 3/7/2013, Chính phủ Cộng hòa Séc trong thông cáo chính thức đã thông báo về bầu bổ sung đại diện Cộng đồng Bạch Nga và Cộng đồng Việt Nam (Ông Phạm Hữu Uyển) vào Hội đồng Dân tộc thiểu số của Chính phủ Cộng hòa Séc. Cộng đồng thiểu số Việt Nam tại Cộng hòa Séc được chính thức công nhận.

Trong buổi gặp mặt năm 2014 với Cộng đồng Việt Nam đánh dấu một năm được công nhận quy chế dân tộc thiểu số, ông Milan Pospíšil, cựu thư ký của Hội đồng Dân tộc thiểu số (qua 3 Chính phủ khác nhau) đã không quên nhắc lại công sức của ông Dương Viết Dũng gần như là đại diện duy nhất (khách thường trực) của Hội đồng Dân tộc thiểu số trong thời gian dài từ năm 2007 cho đến năm 2013, khi cộng đồng Việt Nam được công nhận và có thành viên chính thức đầu tiên trong Hội đồng.

Xem thêm

Bạn bè quốc tế say mê tìm hiểu về tranh Đông Hồ truyền thống

Ấn tượng không gian văn hóa Việt trong “Ngày Việt Nam tại Brazil”

Ngày 16/11, chương trình “Ngày Việt Nam tại Brazil 2024” đã thu hút đông đảo khách quốc tế tại thành phố Rio de Janeiro, để lại dấu ấn với các hoạt động nghệ thuật và trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Mỹ Latin với quy mô lớn nhất từ trước đến nay…

Có thể bạn quan tâm

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao thưởng cho các hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi tại Buôn Eana

20 năm kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana: Vẹn một chữ tình!

Chương trình kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ công nhân viên của công ty và người dân, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phát triển…

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Không chỉ có hương vị độc đáo và tinh tế, quế còn mang lại hàng loạt lợi ích sức khỏe như hỗ trợ giảm viêm, hạ đường huyết và cải thiện sức khỏe tim mạch. Từ xưa đến nay, loại gia vị luôn được đánh giá là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các chế độ ăn uống lành mạnh…