Đây là phương án đa dạng sản phẩm trong kinh doanh của Cty Xà phòng Hà Nội hay còn vì một lý do nào khác?
Quảng cáo mỹ phẩm khi chưa công bố sản phẩm
Như Thương Gia đã đề cập, dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Tại Việt Nam, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/01/2020. Đây cũng chính là thời điểm thị trường nước rửa tay khô và khẩu trang ở trong nước bắt đầu được người tiêu dùng săn lùng, dẫn tới cháy hàng, đẩy thị trường nước rửa tay khô đạt đỉnh.
Đúng thời điểm này, Cty Cổ phần xà phòng Hà Nội (Hasoco) đã "tranh thủ" tung ra sản phẩm nước rửa tay khô Kazoku mặc dù chưa được phép sản xuất. Sau đó, sản phẩm được giới thiệu trên các trang báo chí chính thống. Hàng được bán ngập trên thị trường qua các điểm bán hàng, trên các sàn thương mại điện tử, trên mạng xã hội khi chưa có công bố sản phẩm.
Trả lời câu hỏi "Sản phẩm có nhãn hiệu song ngữ Việt - Nhật trên vỏ bao, nhãn hiệu đã đăng ký quảng cáo tại Sở Y tế ra sao đối với nước rửa tay Kazoku? Bà Nguyễn Hồng Hà – Phó phòng Quản lý nghiệp vụ Dược – Sở Y tế Hà Nội cho hay: “Sở Y tế Hà Nội chưa nhận được hồ sơ đăng ký quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm của Công ty Cổ phần xà phòng Hà Nội”.
Sở Y tế Hà Nội cũng xác nhận: Nước rửa tay khô Kazoku không có tên trong danh mục quản lý mỹ phẩm của Sở này. Điều này đồng nghĩa với việc, Kazoku được Cty xà phòng Hà Nội sản xuất khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cho phép, là 1 sản phẩm “trôi nổi”. Do vậy, không có cơ sở để xin phép quảng cáo tại Sở Y tế Hà Nội.
Đối chiếu với quy định cho thấy, việc Cty xà phòng Hà Nội Quảng cáo sản phẩm trên các kênh truyền thông là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư Số 09/2015/TT-BYT ngày 25/05/2015 của Bộ Y tế.
Theo đó, Mỹ phẩm phải đủ điều kiện quảng cáo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 20 của Luật Quảng cáo. Cụ thể: "Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;".
“Ve sầu thoát xác” hay đa dạng trong kinh doanh
Trong khi nước rửa tay Kazoku còn mập mờ về tính pháp lý, Công ty xà phòng Hà Nội lại tung ra sản phẩm cùng chủng loại là nước rửa tay khô mang nhãn hiệu Hasoku. Theo đó, nước rửa tay Hasoku đã được Sở Y tế Hà Nội Tiếp nhận công bố sản phẩm vào ngày 18/03/2020, số tiếp nhận Công bố mỹ phẩm số 6672/20/CBMP-HN cho Công ty Cổ phần xà phòng Hà Nội.
Hiện nay, nước rửa tay khô Hasoku và Kazoku được bán nhiều trên thị trường. Mẫu Kazoku có số lượng nhiều ở các sàn điện tử bán lẻ, mẫu Hasoku xuất hiện ít hơn do đây là sản phẩm mới.
Quan sát trên nhãn mác của cả 2 sản phẩm thì thấy: Cả 2 loại nước rửa tay khô Hasoku và Kazoku được sản xuất ở dạng gel, có màu trắng hơi ngà. Về cơ bản, 2 nhãn hiệu sản phẩm này đều có vỏ bao và trọng lượng sản phẩm khác nhau nhưng nhãn mác lại tương đồng nhau. Điều này khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn rằng Hasoku là mẫu mới, còn Kazoku là mẫu cũ. Sự nhầm lẫn này xảy ra ở chính đại lý bán lẻ trên sàn thương mại điện tử.
Điểm phân biệt dễ nhất mà người tiêu dùng cần chú ý giữa 2 sản phẩm là: Kazoku được in chữ song ngữ Việt - Nhật; còn Hasoku đã được lược bỏ phần tiếng Nhật, chỉ còng ngôn ngữ tiếng Việt trên nhãn mác sản phẩm.
Về mặt thành phần, mặc dù sản xuất sau, nhưng thành phần của nước rửa tay khô Hasoku giống tới 100% thành phần nước rửa thay khô Kazoku đã bán “trôi nổi” trước đó. Cụ thể: Thành phần ghi trên 2 sản phẩm gồm: Ethanol, triethanolamine 99%, carbopol, Cetiol HE, water, perfume, các chất phụ gia khác…
Theo các chuyên gia meketing và thiết kế thương hiệu, một sản phẩm cần được "làm mới" khi DN muốn: Khi muốn gây ấn tượng với dòng sản phẩm mới; Khi nhấn mạnh sự cải tiến của dòng sản phẩm cũ; Khi bao bì cũ đã lỗi thời; Khi nhận thấy bao bì của bạn giống với những thương hiệu khác; Khi bạn muốn thay đổi chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, xét trong trường hợp này thì có vẻ như Hasoco đang đi ngoài các nguyên tắc về maketing và nhận diện thương hiệu khi nhận diện sản phẩm mới và cũ gần như giống nhau hoàn toàn và chỉ khác duy nhất 1 cái tên.
Như vậy, tuy 2 sản phẩm do cùng 1 đơn vị sản xuất, sản phẩm “trôi nổi” (Kazoku) ra đời trước, sản phẩm hợp pháp (Hasoku - đã có Tiếp nhận công bố mỹ phẩm) ra đời sau nhưng có thành phần lại giống nhau tới 100%. Một sản phẩm (dù chưa có phép) được tung ra nhanh chóng, khi nhu cầu về nước rửa tay khô đang trên đỉnh. Một sản phẩm được thay thế ngay sau đó khi đã có giấy phép. Câu trả lời về động thái này xin dành cho các cơ quan quản lý.
Để đảo bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh việc mua phải hàng giả, hàng “trôi nổi", kém chất lượng, ngoài việc người tiêu dùng phải nêu cao cảnh giác, cần phải có sự vào cuộc ráo riết của cơ quan chức năng.
Thương Gia đã thông tin liên quan về sản phẩm Kazoku đến Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc khi có thông tin từ cơ quan chức năng.