Theo báo cáo của ông Đỗ Văn Chiến, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 63/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, 37/63 báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội, 23 báo cáo của các tổ chức thành viên, 16 ý kiến và kiến nghị của các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tổng số 1.502 lượt ý kiến.
Cụ thể, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề quan trọng của đất nước, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục được phục hồi và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân ổn định, từng bước được cải thiện. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kết quả quan trọng, uy tín và vị thế nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Xử lý các vụ án, vụ việc vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa có tính nhân văn, tính giáo dục và sức thuyết phục cao.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao tổng sản phẩm trong nước quý 1/2024 tăng trên 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về nhiều vấn đề bao gồm số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, vé máy bay tiếp tục tăng; tiêu thụ nông, lâm, thủy sản còn khó khăn, kinh tế du lịch phục hồi chưa vững chắc, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo đã chú ý, lắng nghe các ý kiến đa chiều để đổi mới, điều chỉnh cơ chế, chính sách, bổ sung thêm biên chế. Nhưng cử tri và nhân dân vẫn còn lo lắng, băn khoăn nhu cầu của học sinh học ở các trường công cao nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế. Việc dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu tạo việc làm cho người đến tuổi lao động, nhất là thanh niên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Với ngành y tế, cử tri ghi nhận đã có nhiều cố gắng, tích cực tham mưu để hoàn thiện thể chế; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Song song với đó vẫn còn lo ngại về tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở còn thấp, vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn bất cập, chưa thực sự là nguồn đảm bảo chính cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.
Về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trên không gian mạng, vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn cao.
Không những vậy, cử tri và nhân dân cũng lo lắng về tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực miền núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; mưa bão gây sạt lở đất ở vùng núi, ven sông, suối ở vùng Tây Bắc…
Từ thực tế hiện nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức. Tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Cùng với đó là kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm “nhiễu” thông tin. Đặc biệt là các thông tin “xấu, độc”, “bôi nhọ” làm giảm sút uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội...
Đồng thời, tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động bởi thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt.
Ngoài ra, cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và đảm bảo cho sản xuất ở một số vùng khó khăn. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024.