Tiến hành công tác bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội từ ngày 20/5

Trước thềm diễn ra kỳ họp thứ 7, đại diện Quốc hội đã thông tin về chương trình dự kiến. Trong đó, nội dung quan trọng được nhiều người quan tâm là bầu cử Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Bùi Văn Cường tại họp báo
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Bùi Văn Cường tại họp báo

Ngày 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, kỳ họp thứ 7 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/5, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6 và đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 26,5 ngày.

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp là xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo giới thiệu của Trung ương, kỳ họp thứ 7 này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Trong thiết kế chương trình, dự kiến cuối giờ sáng ngày 20/5 sẽ bắt đầu tiến hành công tác nhân sự cho đến ngày 22/5 thì sẽ hoàn thành công tác nhân sự. Công tác này bao gồm bầu Chủ tịch Quốc hội trước, bầu Chủ tịch nước sau.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước và của Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, xem xét và cho ý kiến 11 dự án luật.

Theo đó, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua bao gồm Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Bên cạnh đó, 11 dự án luật được xem xét, cho ý kiến là Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.

Trước đó, sau phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 9, các lãnh đạo chủ chốt đã họp để nghe đánh giá tình hình công việc của đất nước trong thời gian vừa qua và tập trung cho ý kiến chỉ đạo để triển khai công việc trong thời gian tới theo kết luận Hội nghị Trung ương 9 đã đề ra.

Đây là cuộc họp lãnh đạo chủ chốt đầu tiên sau khi Hội nghị Trung ương 9 đã thông qua một số nội dung quan trọng và giới thiệu nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư

Chính thức thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình

Với vị trí địa lý thuận lợi và những giá trị di sản văn hóa độc đáo, “thành phố mới” Hoa Lư hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình…

VACOD-HBA vươn ra biển lớn, tạo “cơ hội vàng” cho cộng đồng doanh nghiệp

VACOD-HBA vươn ra biển lớn, tạo “cơ hội vàng” cho cộng đồng doanh nghiệp

Đoàn công tác VACOD-HBA vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày hết sức thành công tại Nga. Chuyến đi không chỉ đơn thuần thắt chặt quan hệ giao lưu hữu nghị mà còn tiếp tục khẳng định quyết tâm của VACOD-HBA trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tại một cường quốc thế giới như Nga...