Cuộc đua lãi suất huy động hạ nhiệt, nhiều ngân hàng giảm về mức 9,5%/năm

Hàng loạt ngân hàng đều đã điều chỉnh lãi suất huy động tối đa về vùng 9,5%/năm sau đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng.
Cuộc đua lãi suất huy động hạ nhiệt, nhiều ngân hàng giảm về mức 9,5%/năm

Cuộc đua lãi suất huy động đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tuần vừa qua, gần như không có ngân hàng nào tăng lãi suất huy động. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm sau khi Hiệp hội Ngân hàng đề xuất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.

Cụ thể từ ngày 19/12, ngân hàng MSB điều chỉnh giảm 0,4%/năm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn trên 13 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm, kỳ hạn 6 đến 11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm.

Còn tại OceanBank mức lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đã hạ từ 10%/năm xuống 9,2%/năm. Tương tự, Kienlongbank cũng mới điều chỉnh phần lớn biểu lãi suất huy động các kỳ hạn về 9,2%/năm.

Từ ngày 20/12, Saigonbank cũng công bố biểu lãi suất huy động mới và giảm khoảng 0,4%-1%/năm  ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đã giảm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm. Đây là mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, theo cả hình thức online và gửi tại quầy. Đối với các kỳ hạn dài từ 12-18 tháng, lãi suất tiết kiệm giảm 0,4%-0,7%/năm xuống 9,3%-9,4%/năm. Trước đó tại các kỳ hạn này, lãi suất tiết kiệm đều vượt mốc 10%/năm.

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5% xuống 9,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% xuống 9,2%/năm. Với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, ngân hàng vẫn giữ nguyên mức lãi suất kịch trần 6%/năm. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn vẫn giữ nguyên 0,5%/năm. Trước đó, Saigonbank là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống.

Cũng trong ngày 20/12, BaoVietBank điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng còn 5,65%/năm và 5,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 9,4%/năm. Trước đó, lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này lên tới 10,3%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.

Cũng từng là ngân hàng có mức lãi tiết kiệm cao nhất thị trường lên tới 11,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng theo biểu lãi suất mới được công bố, lãi tiết kiệm cao nhất tại ABBank chỉ còn 8,4%/năm cho kỳ hạn từ 18-36 tháng.

Tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác như VietABank, Techcombank, Vietcapital Bank... mức lãi suất niêm yết cao nhất đang xoay quanh 9,5% một năm. Với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank) lãi suất cao nhất giữ nguyên ở mức 7,4%.

Diễn biến lãi suất huy động

Động thái điều chỉnh trên của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội Ngân hàng Việt nam kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất.

Trước đó, kể từ đầu năm 2022, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Xu hướng này được tiếp nối với tần suất nhiều hơn và cường độ lớn hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng 2 lần lãi suất điều hành.

Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên… Nhìn chung, so với cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Theo giới chuyên môn, để các tổ chức tín dụng yên tâm đồng thuận hạ lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ thanh khoản thông qua thị trường mở. Tuy nhiên, trên liên ngân hàng, các ngân hàng lớn chỉ cho vay ngân hàng nhỏ với điều kiện phải cầm cố giấy tờ có giá. Đây là điều khó khăn cho các ngân hàng nhỏ vì nguồn giấy tờ có giá không có sẵn, khối lượng có hạn.

Liên quan vấn đề này, tại một hội thảo gần đây, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank khẳng định, ngân hàng này không chủ trương giảm số dư cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Agribank đang là một trong những ngân hàng cho vay lớn nhất trên thị trường này.

“Các ngân hàng có nhu cầu vay liên ngân hàng cứ đăng ký, Agribank đã nhận được nhu cầu của 8 ngân hàng thương mại. Ngoài ra, ngân hàng nào có nhu cầu hoán đổi ngoại tệ cứ gửi cho Agribank, chúng tôi đang tổng hợp nhu cầu để lên kịch bản, phương án hỗ trợ thị trường”, bà Phượng cho biết.

Sau hai lần tiến hành tái cơ cấu hệ thống, Agribank từ chỗ vắng bóng vai trò cho vay trên thị trường liên ngân hàng thì khoảng 5 năm gần đây, ngân hàng này và 3 ngân hàng lớn thuộc sở hữu Nhà nước đang trở thành công cụ của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết chính sách tiền tệ. 

Có thể bạn quan tâm