Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2025 của Bộ Xây dựng, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, năm 2025, Bộ dự kiến khởi công 19 dự án.
Tính đến nay, có 6 dự án đã khởi công gồm: cầu đường sắt Cẩm Lý tuyến đường sắt Kép - Hạ Long; nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); mở rộng đường bộ cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn và dự án nâng cấp Quốc lộ 46 đoạn thành phố Vinh – Thị trấn Nam Đàn.
Đối với 13 dự án chưa khởi công, có 5/13 dự án đã phê duyệt dự án gồm: cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 2; dự án mở rộng cao tốc đoạn La Sơn - Hòa Liên; xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B; dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.
Tám dự án còn lại nằm trong kế hoạch khởi công năm 2025, hiện có 5 dự án dự kiến sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: hầm Thần Vũ; hầm Cù Mông; hầm Núi Vung; nâng cấp tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thành đường cao tốc trên địa phận tỉnh Hưng Yên và đến hết nút giao Thái Hà; dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Ba dự án đang hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt dự án gồm: đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, năm 2025, cùng với 19 dự án được khởi công, có 42 dự án cũng được lên kế hoạch hoàn thành. Tính đến nay, có 2 dự án đã hoàn thành là cải tạo cầu yếu và kết nối trên các quốc lộ giai đoạn; nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đánh giá, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được xây dựng và ban hành theo kế hoạch. Xu hướng tới đây sẽ sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, để đáp ứng thay đổi thực tiễn, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất sửa 7 luật, khoảng 30 nghị định, hơn 100 thông tư về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc.
Thời gian tới, định hướng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để trong quản lý, đầu tư các dự án. Đồng thời, sắp xếp tổ chức các ban quản lý dự án phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.