Cuối năm tăng lãi suất huy động: Đừng đổ cho Tết!

Các ngân hàng thương mại đang đua tăng lãi suất huy động. Điều này được giải thích nhằm phục vụ nhu cầu cho vay dịp Tết. Tuy nhiên, đua tăng lãi suất trong năm 2018 có nguyên nhân từ yếu tố khác.
Cuối năm tăng lãi suất huy động: Đừng đổ cho Tết!

Tăng lãi suất huy động vào dịp cuối năm không phải điều mới trong hệ thống ngân hàng, năm 2018 cũng không là ngoại lệ. Theo đó, lãi suất huy động đã chính thức tăng từ tháng 9 năm nay, tại đủ các kỳ hạn dưới 3 tháng và trên 12 tháng.

Tại Techcombank, từ ngày 22/11, nhà băng này áp dụng mức lãi suất 7%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên với khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng. Nhiều kỳ hạn khác cũng được Techcombank đẩy thêm 0,1 - 0,2% lãi suất so với tháng 10.

Tương tự, tại VPBank, các kỳ hạn 6 - 12 tháng được ngân hàng này áp dụng mức lãi suất lên đến 7,7-7,8%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng là từ 7,7-7,9%/năm. Nếu gửi ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất ưu đãi được đưa ra là 8%/năm cho các khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng. Biên độ lãi suất này chênh lệch khá lớn so với Techcombank.

Ở OCB, từ ngày 10/11, lãi suất 7,7%/năm cũng được áp dụng cho các khách hàng cá nhân gửi tiền online kỳ hạn 36 tháng. Nếu tham gia chương trình “Tiết kiệm OCB nhân 2”, khách hàng được hưởng lãi suất lên đến 8,2%/năm.

Các ngân hàng khác như ACB, MBB hay TPBank, lãi suất huy động đều tăng ở hầu hết các kỳ hạn, với mức tăng từ 0,1 – 0,2%. Nhiều ngân hàng cũng đưa ra các gói tiết kiệm khác nhau với lãi suất đặc biệt nhằm hút vốn nhanh hơn.

Trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất, mức lãi suất được duy trì 6,8 - 6,9%/năm cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, tăng nhẹ khoảng 0,1% so với biểu lãi suất cũ.

Việc tăng lãi suất huy động thường được các ngân hàng giải thích là để tăng nguồn huy động, đáp ứng nhu cầu vay cuối năm của các khách hàng. Tuy nhiên, trong năm 2018, diễn biến tăng lãi suất còn do các tác động từ chính sách tiền tệ.

Cụ thể, trong năm 2018, NHNN áp chỉ tiêu tăng trưởng chỉ 17%, giảm 8% so với năm 2017. Ngay từ đầu năm, NHNN đã áp dụng nhiều biện pháp để giám sát chặt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Cho tới tháng 10/2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 9,89%, tiếp tục thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.

"Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cung tiền chặt chẽ, tăng hút ròng khiến các ngân hàng luôn phải cảnh giác với căng thẳng thanh khoản. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước quy định giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% hiện tại xuống còn 40% vào đầu năm 2019. Do vậy, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ này, khiến nhu cầu huy động càng tăng cao.

Thực tế, từ đầu năm, các ngân hàng đã đẩy mạnh tín dụng, giải ngân. Hết Quý III/2018, dư nợ tại nhiều ngân hàng đã gần chạm trần. Hiện, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng đã gần hoàn thành đúng kế hoạch. Chẳng hạn, LienVietPostBank đã đạt mức tăng trưởng tín dụng là 13,5% trong khi chỉ tiêu tăng trưởng chỉ là 14%. TP Bank cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng là 14,5% khi chỉ tiêu tăng trưởng là 15%. Tương tự, ACB đã tăng trưởng tín dụng 12% khi chỉ tiêu tăng trưởng chỉ là 14%...

Mặt khác, trong năm 2018, các ngân hàng đang duy trì tăng huy động cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2018 của LienVietPostBank, lượng tiền gửi tiết kiệm là hơn 127.500 tỷ đồng, vay liên ngân hàng là gần 11.500 tỷ đồng. Tổng cho vay khách hàng là hơn 115.000 tỷ đồng; cho các TCTD khác vay gần 3.000 tỷ đồng.

Tại OCB, tổng cho vay đạt gần 53.716 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng lên đến gần 61.000 tỷ; cho vay/vay liên ngân hàng lần lượt là 1.700 tỷ và 1.271 tỷ đồng.

Tại BIDV, cho vay/vay liên ngân hàng lần lượt là 24.488 tỷ và 53.611 tỷ đồng trong khi cho vay khách hàng đạt hơn 968.000 tỷ, tiền gửi của khách là 953.512 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 11/2018, NHNN đã liên tục bơm ròng vào thị trường. Từ 5/11 – 9/11, theo số liệu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), NHNN đã bơm hơn 20.600 tỷ đồng vào thị trường. Từ 24/11 – 28/11, NHNN cũng bơm gần 5.600 tỷ đồng vào thị trường.

Như vậy, khó có thể lấy lý do phục vụ nhu cầu Tết để giải thích cho việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Điều này chỉ có nghĩa các ngân hàng đang tập trung huy động để đáp ứng quy định mới của ngân hàng nhà nước về tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, trong khi vẫn duy trì được tăng trưởng tính dụng.

Điểm đáng lưu ý là, việc tăng lãi suất huy động cũng sẽ góp phần gây sức ép tăng lãi suất cho vay thực và cuối cùng tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sẽ chi trả. Tác động của đợt tăng lãi suất năm 2018 có thể sẽ được thấy rõ trong nửa đầu năm 2019.

 >> Nhiều ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên trên 8%/năm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...