Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án VN Pharma buôn lậu thuốc ung thư trong hai ngày 19 – 20/10/2017 tới đây.
Trước đó, phiên tòa dự kiến được mở vào ngày 16/10 nhưng lịch xét xử đã có sự thay đổi.
Được biết, vụ án được xét xử sơ thẩm vào cuối tháng 8/2017 và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, giới chuyên môn y dược và cấp quản lý. Có nhiều ý kiến đã tập trung vào trách nhiệm của cơ quan quản lý là Bộ Y tế và câu chuyện thuốc ung thư thật – giả.
Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma có nội dung rất đáng chú ý về số liệu tạp chất. Bị cáo Hùng khẩn thiết đề nghị Tòa án kiểm tra lại tài liệu để có thể đính chính chi tiết về số liệu tạp chất.
Tại bản Kết luận giám định số 31/KLGĐ-BYT ngày 22/4/2015 thể hiện: “Phần tạp chất liên quan không định danh lớn nhất theo tiêu chuẩn cơ sở phải dưới 0,1% nhưng thuốc thành phẩm (mẫu giám định) có tạp chất là 0,17%.
Tuy nhiên, cáo trạng và bản án sơ thẩm lại ghi thành: “Thuốc thành phẩm có tạp chất lên đến 17%”. Giữa tâm bão dư luận bức xúc về vấn đề chất lượng thuốc, sự nhầm lẫn này, theo bị cáo Hùng, đã gây ra hiệu ứng đặc biệt nguy hiểm, gây cho dư luận nhìn nhận sai lệch nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, VN Pharma đã nhập lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet (Capicitabine 500mg) do Công ty Helix Pharmaceuticals Canada sản xuất. Việc nhập khẩu được thông qua một công ty môi giới là Công ty TNHH Thương mại và Hàng hải Quốc tế H&C do Võ Mạnh Cường làm giám đốc.
Hồ sơ giấy tờ pháp lý và y tế của nhà sản xuất (bao gồm giấy chứng nhận bán hàng tự do FSC, Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc GMP) do Võ Mạnh Cường cung cấp cho VN Pharma.
VN Pharma thuê một dược sỹ viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Caplet để nộp cho Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để xin cấp phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc.
Cục Quản lý dược đã thành lập Tổ thẩm định. Kết quả thẩm định đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị duyệt nhập. Sau đó Cục Quản lý dược đã cấp “quota” cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc nói trên qua nhà cung cấp là Công ty Austin Hồng Kông.
Khi lô hàng về tới kho, Cục Quản lý dược đã yêu cầu giải trình, tiến hành thanh tra, kiểm tra sau đó chuyển vụ việc tới cơ quan điều tra. Toàn bộ lô thuốc đã được niêm phong, chưa lưu hành trên thị trường.
Kết quả điều tra cho thấy, các giấy chứng nhận FSC và GMP của nhà sản xuất là giấy tờ giả, do Võ Mạnh Cường nhận từ một cá nhân người nước ngoài ở Philippines.
Hồ sơ kỹ thuật thuốc được một dược sỹ viết dựa trên thành phần, công thức ghi trên giấy chứng nhận FSC và tham khảo dược điển của Mỹ.
Hợp đồng với nhà cung cấp - Công ty Austin Hồng Kông đã được ghi lùi ngày để hợp thức hồ sơ do giấy phép của Công ty này đã hết hạn.
Theo cáo trạng, các hành vi này được xác định là phạm vào tội Buôn lậu, Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức. Vào cuối tháng 8/2017, Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử.
Với nhận định hành vi của các bị cáo đã xâm phạm chế độ quản lý về ngoại thương của Nhà nước, cần phải xử phạt các bị cáo phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng 12 năm tù giam, bị cáo Võ Mạnh Cường 12 năm tù giam, các bị cáo còn lại bị xử phạt từ 1 năm 6 tháng án treo đến 5 năm tù giam.
Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đã kháng cáo, có 2 bị cáo kháng cáo kêu oan. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cho rằng khi tiến hành nhập khẩu lô thuốc trên, đã thực hiện các bước cơ bản theo quy định như tìm kiếm đối tác bán hàng, lập hồ sơ xin cấp phép của cơ quan chủ quản; ký hợp đồng; nhập hàng qua cửa khẩu Hải quan... Các bị cáo hoàn toàn không có ý thức chủ định kinh doanh hàng giả.
Tuy nhiên, bị cáo Hùng cũng bày tỏ thái độ ăn năn hối hận, không ngụy biện trước hậu quả xảy ra và khẩn cầu Tòa án, Viện Kiểm sát xem xét triệt để tài liệu điều tra có trong hồ sơ để có phán quyết giải đáp nghi vấn: Các bị cáo có mang tội ‘Buôn bán thuốc tân dược giả” hay không?
Trong đơn, bị cáo Hùng mong được cứu xét công tâm, để minh bạch sự thât vụ án và để cho bị cáo được hưởng mức án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đồng thời đề nghị Tòa án xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, trong đó đáng chú ý có việc bị cáo Hùng đã tự nguyện đưa sự việc ra ánh sáng, đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc xác minh sự thật.
Quá trình xem xét vụ việc trước khi khởi tố, bị cáo Hùng và VN Pharma đã tự nguyện mời tổ chức giám định kiểm tra chất lượng thuốc; mời Cục quản lý dược xác minh tính pháp lý của lô hàng; có công văn đề nghị Cơ quan An ninh kinh tế Bộ Công an giúp đỡ nhằm minh bạch thông tin về lô hàng đã nhập khẩu
Được biết, Viện KSND Tối cao cũng đã có quyết định kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn