Đã có đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7

Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho chính sách tăng lương tối thiểu và cải cách tiền lương vào 1/7/2023…
bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023

Tại họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 4/2023, chiều 5/5, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2023.

Theo Thứ trưởng Chi, trước đây Bộ Tài chính có thông tin là cần 60.000 tỷ đồng để thực hiện việc tăng lương cho 6 tháng cuối năm 2023. Đến thời điểm hiện tại, con số chính xác là hơn 59.000 tỷ đồng.

Với số tiền này, Bộ Tài chính đã bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 là 12.000 tỷ đồng. Còn 47.000 tỷ đồng khác được bố trí từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tiền lương, trong đó ngân sách địa phương là 27.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 20.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: “Một lần nữa xin khẳng định Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho chính sách tăng lương tối thiểu và cải cách tiền lương vào 6 tháng cuối năm 2023”.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, phần trả lời của ông Chi dựa trên cơ sở Nghị quyết 69 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua về dự toán ngân sách năm 2023. Trong các phụ lục của Nghị quyết 69 nêu rất rõ nguồn, khoảng gần 60.000 tỷ đồng

Nghị quyết 69 đã đăng tải trên mạng rất đầy đủ toàn văn, kể cả các phụ lục về nguồn cải cách tiền lương. Còn về nội dung dự thảo Nghị định, theo nhiệm vụ được Chính phủ phân công, Bộ Nội vụ trong tháng 2 đã chủ động soạn thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin: “Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của nhân dân qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trong tháng 4 vừa rồi Bộ Nội vụ đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trước ngày nghỉ lễ, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định Trên cơ sở thẩm định bằng báo cáo, thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ trình Chính phủ trong tháng 5/2023 để thực hiện được từ 1/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng, tăng 20,8%”.

Một nội dung đáng chú ý khác cũng liên quan đến Bộ Tài chính đó là, để chuẩn bị ứng phó với các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ nghiên cứu. Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ và đã chủ động thành lập nhóm giúp việc cho Tổ này.

Ngày 18/4 vừa qua, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo bàn về các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia và dự kiến tác động cũng như khuyến nghị các giải pháp cho Việt Nam. Theo đó, hội thảo đã nêu ra 2 vấn đề chính:

Thứ nhất, các tổ chức tư vấn độc lập cũng như chính các doanh nghiệp FDI chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đều khuyến nghị Việt Nam nên chủ động sớm ban hành quy định pháp luật để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu cho các doanh nghiệp. 

Thứ hai, tiếp tục các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành liên quan để cụ thể hóa các chính sách này và dự kiến có một số chính sách có thể hỗ trợ được như tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp trong khu vực, trong khu công nghiệp mà những doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn đó.

Theo ông Chi, “Bộ Tài chính có thể có những chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng có thể có những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) trên lãnh thổ Việt Nam và những chính sách khác phù hợp với cam kết của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và cũng thỏa mãn những doanh nghiệp FDI mà chúng ta có sự thay đổi về thuế toàn cầu”.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan sớm báo cáo Chính phủ cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác để sớm chủ động vừa đảm bảo tài chính Việt Nam vừa đảm bảo môi trường tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư lớn, đem đến Việt Nam những công nghệ tiên tiến và công nghệ cao trong thời gian tới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm