“Da điện tử” - sản phẩm theo dõi sức khỏe của tương lai

Chỉ một vài năm nữa, tình hình sức khoẻ của bạn có thể được theo dõi và kiểm tra thông qua một lớp da điện tử đeo trên cơ thể.
“Da điện tử” - sản phẩm theo dõi sức khỏe của tương lai

Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản cho biết họ đã phát triển một loại “e-skin” siêu mỏng, nhẹ, có thể được dán vào một vùng da trên cơ thể (vùng ngực) để theo dõi tình hình sức khoẻ của người dùng. 

Công nghệ này được phát triển bởi giáo sư Takao Someya của Đại học Tokyo (Nhật bản). Hiện “e-skin” vẫn chưa trải qua thử nghiệm lâm sàng, nhưng giáo sư Someya đã bắt đầu làm việc với các đối tác để phát triển quy trình sản xuất.

Được làm từ vật liệu dẻo - polyvinyl alcohol - cùng một lớp vàng siêu mỏng, “e-skin” là một thiết bị cảm biến có thể nhận các tín hiệu như nhịp tim và xung điện từ chuyển động của các cơ trong cơ thể. 

Các tín hiệu này sẽ gửi đến điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay hoặc lên dịch vụ đám mây, và cho phép bác sĩ kiểm tra dữ liệu sức khoẻ của bệnh nhân từ xa.

"E-skin là thế hệ thiết bị y tế tiếp theo", ông Someya chia sẻ với CNN Business. "Các thiết bị đeo thông minh ngày nay dưới dạng đồng hồ thông minh và kính, có kích thước cồng kềnh và bất tiện. Ngược lại, e-skin mỏng, nhẹ, có thể co giãn và rất bền."

Thiết bị hướng tới khách hàng cao niên

“E-skin” được thiết kế với mục tiêu thích ứng với tình hình dân số già của Nhật Bản. Để việc chăm sóc sức khỏe từ xa đạt hiệu quả cao nhất, giáo sư Someya nói rằng điều quan trọng là phải theo dõi sức khỏe người cao tuổi trong thời gian dài với độ chính xác cao. 

“E-skin” sẽ là một công cụ vô cùng hữu ích để theo dõi các bệnh mãn tính như tiểu đường, cũng như suy tim. Nó cũng có thể giúp phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh tật.

Giáo sư Someya cũng đang phát triển một loại màn hình LED, hợp tác với Dai Nippon Printing (DNPCF), để đeo trên mu bàn tay của người dùng. Được thiết kế cho những người lớn tuổi hoặc những người gặp khó khăn khi sử dụng điện thoại thông minh, nó sẽ hiển thị dữ liệu nhịp tim được truyền qua “e-skin” dưới hình đồ họa lớn và dễ hiểu. Nó cũng có thể hiển thị các biểu tượng cảm xúc đơn giản - bao gồm trái tim và cầu vồng - do bạn bè và người thân gửi từ điện thoại, để giúp những người lớn tuổi cảm thấy được kết nối với những người thân yêu của họ.

Theo một báo cáo của Grand View Research, thị trường “e-skin” trị giá khoảng 4,5 tỷ USD vào năm 2019. Bởi tính linh hoạt cao, da điện tử đôi khi có khả năng tự sửa chữa, nên nó có tiềm năng sử dụng trong chế tạo người máy, bộ phận giả và chăm sóc sức khỏe.

Giáo sư Someya và nhóm của ông bắt đầu phát triển “e-skin” cho robot vào đầu những năm 2000. Các nghiên cứu khác của họ cũng đang được phát triển cho thị trường thông qua hai công ty phụ - Signtle, cho các ứng dụng y tế và Xenoma, cho quần áo thông minh.

Da điện tử dành cho vận động viên

Công ty Xenoma tích hợp “e-skin” vào đồ ngủ có thể theo dõi nhiệt độ trên giường cũng như vào quần áo thể thao để theo dõi hoạt động thể dục.

Công ty đã hợp tác với học viên Taekwondo Mana Umehara để thử nghiệm xem “e-skin” có thể mang lại lợi ích như thế nào cho các vận động viên. Công nghệ của nó theo dõi chuyển động cơ thể của Umehara và gửi thông tin đến một máy tính xách tay, nơi phần mềm tự động chuyển nó thành hình ảnh dữ liệu. 

Trong thời gian đại dịch, Umehara không thể tập luyện với huấn luyện viên của mình nhưng cô đã gửi dữ liệu từ trang phục “e-skin” của mình cho HLV. ”Bây giờ tôi có thể nhận được hướng dẫn chính xác hơn từ HLV trong các bài tập của mình”, cô nói với CNN Business.

Someya cho biết 5G sẽ có "tác động to lớn" đến các công nghệ đeo được, bao gồm cả “e-skin”, bằng cách tăng lượng dữ liệu truyền không dây với tốc độ cao, cho phép người dùng truy cập vào thông tin sức khỏe của họ trong thời gian thực. “Mục tiêu cuối cùng của ‘e-skin’ là theo dõi tất cả các loại thông tin khác nhau của con người một cách dễ dàng, ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào mà không làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.”

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

1C Việt Nam với nền tảng Low-Code mạnh mẽ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ERP thành công

Giải pháp ERP trên nền tảng công nghệ Low-Code của 1C Việt Nam

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn… Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng 5G đang mở ra một cuộc cách mạng mới trong việc kết nối và trải nghiệm Internet, mang đến tốc độ nhanh hơn và dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với 4G…