Đó là đề xuất được đại biểu đưa ra tại Hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đào tạo nhân tài được TP Đà Nẵng tổ chức ngày 1/10. Hội thảo đã thu hút nhiều đại biểu đại diện của các sở ban ngành TP Đà Nẵng và các nhân tài được đào tạo ở nước ngoài trở về nước.Theo đó, tính đến tháng 12/2014, TP Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 nhân tài thuộc diện thu hút theo chủ trương của thành phố. Và tính đến tháng 9/2016, Đà Nẵng cũng đã đào tạo được 639 nhân tài theo Đề án 922 về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.Tuy nhiên, trước những bất cập trong công tác thu hút và đào tạo nhân tài của TP Đà Nẵng khiến xảy ra tình trạng chảy máu chất xám trong đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo theo đề án đào tạo nhân tài của Đà Nẵng. Đặc biệt là tình trạng nguồn nhân lực này vi phạm cam kết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo khiến cơ quan chức năng Đà Nẵng phải đưa một số trường hợp ra tòa để xét xử, gây tác động xấu đến hoạt động này.Sáng ngày 1/10, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đào tạo nhân tài với sự tham gia của các sở ban ngành, các cơ quan liên quan nhằm tìm hướng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao này để tránh lãng phí cho cả kinh phí đào tạo lẫn người được đào tạo.Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần nghiên cứu tới việc sau khi nhân tài học xong, nếu chưa thể bố trí công việc ngay tại các cơ quan nhà nước, nhân tài không có cơ hội để thể hiện mình thì nên tính tới việc “chuyển nhượng” cho các doanh nghiệp tư nhân. “Có thể nhân tài về thì làm hợp đồng chuyển nhượng, đấu giá nhân lực để các doanh nghiệp có thể chọn”, ông Nguyễn Quang Thanh ý kiến.Liên quan đến thực trạng làm việc của nguồn nhân lực này, lãnh đạo Trung tâm xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, hiện trung tâm đã tiếp nhận 12 nhân tài. Có 8 người đang phải chờ biên chế trong khi đó TP chỉ duyệt có hai biên chế. Và trong thời gian qua, đã có 15 người xin đi khỏi cơ quan. Nhiều người có tâm huyết cống hiến, nhưng điều kiện không cho phép họ phát huy, cũng có người làm để chờ hết thời gian hợp đồng với TP rồi tìm cơ hội đi nơi khác. Nên việc đào tạo nhân tài của TP cần phải tính toán cung ứng cho cả bên ngoài và cả đặt hàng từ doanh nghiệp.Đồng tình với quan điểm này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng đây là đề xuất tránh lãng phí nhân tài sau khi được đào tạo về nước. Và các cơ quan khu vực công cần phải có đề xuất cần bao nhiêu chuyên gia, sinh viên giỏi để cân đối nhu cầu sử dụng và cử đi học."Tôi đồng ý với việc hợp đồng chuyển nhượng nhân tài. Cho tư nhân được nhận nhân tài của TP đào tạo bằng hợp đồng và TP sẽ trừ dần các khoản tiền đã bỏ ra để đào tạo họ bằng việc trừ vào tiền lương của họ tại doanh nghiệp”, bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.
Hồ Xuân Mai/Viettimes