Đã nhìn thấy nút thắt kìm hãm phát triển

TS Nguyễn Đình Cung vừa có chia sẻ rằng, có doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM mỗi năm phải chi tới 700 triệu đồng cho một thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Đã nhìn thấy nút thắt kìm hãm phát triển

Điều đáng nói là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành này đang ảnh hưởng tới hàng chục ngàn DN. Có những thủ tục kiểm tra chuyên ngành tới 60.000 trường hợp nhưng chỉ phát hiện ra hơn 30 trường hợp vi phạm. Có những thủ tục kiểm tra hàng chục năm nay nhưng chẳng phát hiện ra sai phạm nào.

Ấy thế nhưng hàng chục năm nay những danh mục kiểm tra chuyên ngành vẫn dài dằng dặc mà chưa hề có động thái cắt bỏ nào được tiến hành, dù rà soát, cắt bỏ đã được cả Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu không ít lần.

Nếu danh mục kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ bớt đi thì hàng trăm ngàn DN, vốn là nền tảng kinh tế quốc gia, sẽ tiết kiệm được một nguồn lực rất lớn để dành cho phát triển. Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành sẽ không còn làm khó cho DN làm ăn, không làm tha hóa hệ thống công quyền, không còn tình trạng bôi trơn và công chức, viên chức không còn bị kêu ca “hành là chính”.

Đấy là mới nói tới thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định 38/2012. Nhưng hiện còn rất nhiều nghị định, thông tư đang lồng các điều kiện kinh doanh theo nhiều cách khác nhau. Dù Chính phủ hồi giữa năm 2016 đã cắt giảm được khá nhiều điều kiện kinh doanh nhưng ở nhiều dự thảo nghị định mới đây, những điều kiện kinh doanh về nhà xưởng, kho bãi, máy móc, bằng cấp… vẫn còn tồn tại như thách thức những quy luật của thị trường, gây khó khăn cho việc xây dựng một chính phủ kiến tạo.

Bởi chi phí tuân thủ chính là một trong những chi phí đắt nhất mà xã hội và DN phải gánh chịu. Nhiều điều kiện kinh doanh đã làm cho các DN phải phá sản hoặc lao đao. Đơn cử như điều kiện kinh doanh đối với các DN xuất khẩu gạo trước đây đã bức tử nhiều công ty, thương nhân xuất khẩu gạo. Điều kiện kinh doanh gas cũng một thời làm các công ty gas nhỏ và vừa tá hỏa vì bỗng dưng phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng tuân thủ điều kiện vô lý về việc phải có 50.000 vỏ bình.

Hay câu chuyện thời sự gần đây giữa Grab, Uber và các hãng taxi truyền thống cũng là một ví dụ. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói rằng taxi truyền thống thua Uber, Grab không phải vì nội lực mà bởi chi phí rất lớn để tuân thủ hàng chục điều kiện kinh doanh mà Uber, Grab không bị chi phối.

Trong tình hình như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thông qua nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2017, tiếp tục yêu cầu rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh là động thái tích cực. Điều đó thể hiện rằng: "Chính phủ đã nhìn thấy nút thắt kìm hãm phát triển".

Bởi như phân tích trên thì mỗi điều kiện kinh doanh vô lý là làm cho chi phí DN tăng lên, chi phí xã hội cũng vì vậy mà thêm chất chồng. Bỏ bớt các điều kiện kinh doanh thì nguồn lực dành cho phát triển của DN và xã hội sẽ tăng thêm, phát triển có cơ hội giữ vững đà tăng trưởng.

Theo plo.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...