Chiều 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong đó, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi thực hiện cải cách tiền lương. Tức là nên thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) thay cho việc thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Theo đại biểu Thúy, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) cho phù hợp với thực tiễn. Khi đó, các chính sách bảo hiểm xã hội được sửa đổi theo cải cách tiền lương sẽ phù hợp hơn.
Đại biểu đoàn Tuyên Quang băn khoăn khi mức trợ cấp hưu trí chưa đảm bảo nguyên tắc an sinh xã hội, không đảm bảo mức sống tối thiểu hoặc chỉ tiệm cận mức sống này.
“Nếu chỉ thay đổi hình thức mà không có thay đổi về chính sách thì cần phải cân nhắc kỹ. Mức hưu trí phải cao hơn trợ cấp xã hội, nếu trợ cấp 500.000 thì mức hưu trí phải 750.000/tháng”, bà Thúy phát biểu.
Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, các đối tượng có thu nhập ổn định ngoài xã hội rất đông với hàng trăm nghìn người như người chạy grab, bán hàng online. Họ có công việc ổn định, thu nhập thậm chí còn cao hơn lao động phổ thông làm việc trong khối doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa có giải pháp để đưa đối tượng trên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bà Thúy đề nghị giao cho Chính phủ xây dựng lộ trình cụ thể, đến năm 2026 áp dụng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội với nhóm lao động công nghệ, chạy grab.
Liên quan đến quy định rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đề nghị cần đánh giá thêm, việc rút một lần đã đáp ứng được nhu cầu trước mắt của người lao động hay chưa. Đồng thời, cần tính phương án hỗ trợ cho người lao động như chính sách về tín dụng cho người lao động để họ không phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề nghị bỏ điều kiện “người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” và giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm xuống còn 15 năm.
Theo ông Thắng, việc đưa ra thời hạn 12 tháng gây khó khăn cho người lao động khi cần tiền trang trải nhu cầu cấp bách trước mắt, khiến cơ quan bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nhìn nhận, trong giai đoạn dịch Covid-19, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần diễn ra nhiều nhất, chủ yếu để giải quyết vấn đề trong cuộc sống trước mắt. Nếu cần giữ chân người lao động thì nên cho rút ở mức 50%, kèm theo đó áp dụng cho vay ưu đãi để họ giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng tâm tư nguyện vọng cho người lao động.