Ông Chung Kiện, đại diện Phở Hùng chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan đến vụ tranh chấp thương hiệu với Công ty Huy Việt Nam từ hồi năm 2014.
Theo kết quả từ 08/04/2015 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), dấu hiệu “Phở ông Hùng” sử dụng trên trang Facebook của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam và dấu hiệu PHỞ ÔNG HÙNG CHÍNH HIỆU và hình sử dụng trên trang facebook, website, biểu hiện của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam là yếu tố xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 147103 của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phở Hùng.
“Mục tiêu hướng tới của Phở Hùng cũng sẽ theo hình thức “xây để bán”
Dù đã có kết luận trên, nhưng ông Chung Kiện cho biết, Huy Việt Nam vẫn sử dụng những dấu hiệu xâm phạm trên để kinh doanh.
Thương hiệu Phở Hùng do hai thành viên sáng lập là bà Trần Thị Tuyết Lan (vợ ông Chung Kiện) và ông Tiền Kim Thành (Tien Tony - quốc tịch Mỹ). Ông Chung Kiện cho biết, ông Tien Tony đã tự ý cùng một số đối tác, trong đó có Huy Việt Nam mở chuỗi phở với thương hiệu na ná với Phở Hùng như Phở Ông Hùng, Phở Ông Hùng chính hiệu... dù chưa được sự đồng ý từ phía đồng sáng lập và đứng tên chủ thương hiệu.
Sau khi nhận 1 tỷ đồng từ phía bà Tuyết Lan, ông Tien Tony đã rút cổ phần tại Công ty này. Tuy nhiên, các “thương hiệu” xâm phạm nhãn hiệu Phở Hùng vẫn hoạt động.
Thành lập từ năm 2006, đến nay, Phở Hùng có 3 chi nhánh tại TP.HCM. Ông Chung Kiện cho biết, hoạt động kinh doanh của Công ty khá thủ công và sẽ nhân rộng sau khi 3 quán vận hành theo chuẩn một quy trình.
“Anh Hoàng Khải (chủ thương hiệu Phở Ông Khải - PV) là người rất thông minh và giỏi. Chuỗi phở cần mở 5-10 quán đầu để tìm ra công thức chung như gia giảm gia vị... sau đó mới có thể nhân rộng thành chuỗi. Đặc biệt, chuỗi tiệm phở theo khẩu vị miền Nam như phở Hùng sẽ rất khó”, ông Chung Kiện nói.
Phở Hùng theo phong cách truyền thống, vì vậy, cần một thời gian để tiếp cận và lấy lòng từ khách hàng. Từ đó, khách quen sẽ là nguồn doanh thu chính.
Được biết, tiệm phở đầu tiên của Phở Hùng tại 243 Nguyễn Trãi, quận 1 có thể bán mỗi ngày 1.000 tô với giá thấp nhất. Đây cũng là địa điểm có doanh thu cao nhất của hệ thống.
Ông Chung Kiện cho rằng, việc kinh doanh không chạy theo doanh thu, vì thực tế, cả 3 tiệm đều đã có lãi. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng từ 40 triệu đồng - 200 triệu đồng/tháng và đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/quán.
“Kinh doanh chuỗi phở khó nhất là đào tạo nhân viên, làm sao cho họ yêu phở như người chủ. Còn các nguyên liệu như bánh phở, sa tế, rau, tương ớt, tương cà... chúng tôi đều đặt mua từ các đại lý khác. Do đó, khi cả 3 tiệm chuẩn hóa từ quy trình đến bộ máy vận hành, chúng tôi sẽ mở rộng thêm, nhưng 99% sẽ phát triển theo hướng bán thương hiệu cho đối tác khác ở nước ngoài. Còn trong nước, chúng tôi sẽ vận hành”, ông Chung Kiện nói.
Theo Hồng Phúc/Baodautu.vn