Hai vợ chồng ngài đại sứ đã có một cuộc trải nghiệm thú vị tại vườn vải VietGap ở xã Thanh Xá và thăm cây vải tổ tại thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn. Ngài đại sứ quan tâm và thích thú với những quả vải thiều tươi ngon của Thanh Hà. Ông cho biết, đây là một trong những chuyến thực tế đầy ấn tượng của mình.
Lãnh đạo huyện uỷ, UBND huyện Thanh Hà đã giới thiệu với Ngài đại sứ nguồn gốc, gia trị của cây vải Thanh Hà cùng những đặc sản khác của địa phương. Đây cũng là một cách “xúc tiến thương mại” linh hoạt, đậm chất văn hoá của lãnh đạo huyện Thanh Hà với mong muốn đưa được đặc sản quý của quê hương đến với các nước Bắc Âu, đặc biệt là Thuỵ Điển – đất nước có tình hữu nghị son sắt với Việt Nam ngay từ những ngày đất nước ta còn gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cây vải thiều tổ của huyện Thanh Hà được trồng cách đây 200 năm. Từ cây vải tổ, người dân đã nhân giống ra khắp vùng đất Thanh Hà, đồng thời đưa giống vải quý có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước. Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước đặc biệt, vải thiều trồng tại Thanh Hà mang hương vị thơm, ngon, có vị ngọt đặc trưng. Năm 2018, tổng diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương khoảng 10.500 ha tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh, dự kiến sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn (vải sớm khoảng 20.000 tấn, vải thiều khoảng 40.000 tấn). Đặc biệt sản lượng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU... đạt khoảng 1.000 tấn. Riêng diện tích vải thiều của huyện Thanh Hà khoảng 4.000 ha áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, trong đó có 1.000 ha là vải chín sớm, ước sản lượng 15.000- 18.000 tấn, còn lại hơn 10.000 tấn là vải chín muộn. |