Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, việc tổ chức các sự kiện nói trên nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về hình ảnh đất nước, con người Đắk Nông với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống phong phú nhiều màu sắc, tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch đặc biệt gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Đặc biệt là tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo không gian giao lưu văn hóa các dân tộc, các vùng, miền trong cả nước. Đồng thời thu hút nhà đầu tư vào các dự án du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung, du lịch nói riêng, nhanh và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết thêm, tổ chức thời điểm này, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt ở Việt Nam cũng thể hiện việc tỉnh Đắk Nông thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa khẳng định Đắk Nông là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện.
Với chủ đề “Lễ hội văn hóa và du lịch - Tinh hoa Phương Đông”, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông được tổ chức với quy mô toàn quốc. Trong đó có sự tham gia của các đoàn nghệ nhân, diễn viên các nước: Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại đã có 14 địa phương: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kom Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang và Đắk Nông xác nhận tham gia.
Các sự kiện nói trên sẽ diễn ra từ ngày 24- 29/11 tại khu Đảo Nổi, hồ Gia Nghĩa, thành phố Gia Nghĩa và tại một số điểm danh lam thắng cảnh, du lịch, điểm di sản văn hóa trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông. Điểm nhấn của chuỗi sự kiện này là Lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ II trong đó có lồng ghép Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vào chương trình khai mạc. Ngoài ra có nhiều hoạt động quan trọng khác dự kiến thu hút hàng nghìn người tham dự như: Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm; Thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Trình diễn “Fashion Show – thổ cẩm”; Bế mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020; Khai mạc và bế mạc không gian Văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020; Bán kết và chung kết Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Viet Nam 2020 tại tỉnh Đắk Nông; Lễ hội ánh sáng và khinh khí cầu; Hoạt động từ thiện tại một số huyện trên địa bàn tỉnh….
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn tỉnh Đắk Nông đang xây dựng hồ sơ khoa học nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông, tỉnh Đắk Nông trình Bộ VHTTDL đề nghị công nhận Di sản cấp quốc gia năm 2020.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 242 cơ sở lưu trú du lịch, với 3.271 phòng. Trong đó khách sạn có 561 phòng; nhà nghỉ, nhà khách 2170 phòng. Dịch vụ ăn uống cũng được đầu tư, nâng cấp phục vụ các món ăn đặc sản địa phương, hiện có khoảng 40 nhà hàng phục vụ các món ẩm thực địa phương và các đặc sản vùng miền, có sức chứa từ 100 – 2.500 chỗ ngồi. Cả tỉnh có 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Đắk Nông đang nghiên cứu để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Trong đó, tập trung khai thác các sản phẩm du lịch chính như: Sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Du lịch thể thao mạo hiểm; Du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng và thu hút khách đến tham quan một số điểm di sản tiêu biểu thuộc hệ thống Công viên địa chất UNESCO Đắk Nông.