Dân số thế giới 8 tỷ người, đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 1950 khi tỷ lệ tử vong giảm và tuổi thọ tăng lên, phần lớn nhờ vào điều kiện vệ sinh tốt hơn, khả năng tiếp cận nước uống sạch và sự phát triển của vaccine và thuốc, cùng với chế độ dinh dưỡng được cải thiện.
Theo Liên Hợp Quốc, từ năm 1990 đến 2019, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng gần 9 tuổi lên 72. Tuy nhiên, người dân ở các quốc gia nghèo nhất thường có tuổi thọ thấp hơn 7 năm so với mức trung bình toàn cầu, do tỷ lệ tử vong cao ở bà mẹ và trẻ em, chiến tranh và đại dịch HIV.
Tuổi thọ trung bình được xác định là giảm 1 năm xuống còn 71 vào năm 2021, phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những người sinh năm 2050 dự kiến sẽ sống trung bình đến 77 tuổi.
Mặc dù đạt con số 8 tỷ người, nhưng dân số thế giới hiện đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950 vì các gia đình có ít con hơn.
Dân số dự kiến sẽ đạt mức cao nhất là 10,4 tỷ vào những năm 2080 và duy trì ở mức này vào những năm 2100, theo dự đoán của Liên hợp quốc.
Hai phần ba dân số hiện đang sống ở các quốc gia mà trung bình mỗi phụ nữ có khoảng 2 con, giảm so với mức trung bình 5 con vào năm 1950. Dân số từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng 6% trên toàn cầu cho đến năm 2050.
Chỉ có 8 quốc gia sẽ chiếm một nửa mức tăng dân số thế giới vào năm 2050 và các quốc gia này chủ yếu tập trung ở Châu Phi và Nam Á: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.
Hai khu vực đông dân nhất thế giới vào năm 2022 là Nam và Đông Á, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần lớn dân số ở các khu vực này với 1,4 tỷ mỗi khu vực. Mặc dù Trung Quốc có nhiều dân số hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng dân số của nước này sẽ bắt đầu giảm vào năm 2023 và Ấn Độ sẽ sớm vượt qua nó.