Theo DATC, nhà đầu tư có nhu cầu tham gia hợp tác xử lý nợ thì nộp hồ sơ về DATC cùng trao đổi, thống nhất hợp tác xử lý nợ. Thời gian nộp hồ sơ đề xuất đến ngày 2/12.
Tính đến cuối năm 2018, vay nợ tài chính của Beton 6 là hơn 362 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 358 tỷ đồng và dài hạn là hơn 4 tỷ đồng. Theo đó, Beton 6 chủ yếu vay ngắn hạn tại Vietinbank (188 tỷ đồng), Vietcombank (64 tỷ đồng), Eximbank (63 tỷ đồng), NCB (30 tỷ đồng).
Đáng chú ý, khoản vay tại Eximbank là khoản vay tín chấp còn tại NCB được đảm bảo bằng quyền đòi nợ đã hình thành hoặc hình thành trong tương lai từ các hợp đồng thi công cung ứng sản phẩm với lãi suất 8,5%/năm.
Với hai khoản vay Vietinbank và Vietcombank, Beton 6 thế chấp bằng các khoản phải thu khách hàng với số tiền lần lượt là 58 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, Beton 6 đã khép lại năm 2018 với khoản lỗ đột biến gần 323 tỷ đồng sau khi đã lỗ 139 tỷ đồng trong năm trước. Doanh thu sụt giảm 3/4 so với năm 2017, xuống còn 134 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Beton 6 đạt 342,5 tỷ đồng.
Chưa kể, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 312 tỷ đồng, các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty, ghi nhận bởi đơn vị kiểm toán.
Tính đến cuối năm 2018, tài sản Beton 6 giảm 27% về 938 tỷ đồng, bao gồm 562,6 tỷ tài sản ngắn hạn (giảm 36%) và hơn 375 tỷ tài sản dài hạn. Đáng chú ý với tài sản ngắn hạn, hiện công ty đang phải trích lập đến 168 tỷ đồng (phải thu và hàng tồn), tương ứng 30% tài sản ngắn hạn.
Nợ ghi nhận 879 tỷ đồng, công ty hiện có đến 394 tỷ giá trị nợ khó đòi. Điều đáng nói, Beton 6 cho biết, công ty đã gửi thư xác nhận công nợ cho khách hàng, đối tác nhưng một số khách hàng đã không phản hồi, xác nhận.
Chính điều này khiến công ty không thể thu thập đầy đủ công nợ để đánh giá khả năng thu hồi các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán với số tiền hơn 57 tỷ đồng cũng như số dự phòng cần phải trích lập cho các khoản nợ phải thu quá hạn này, dẫn đến việc báo cáo tài chính 2018 có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.
Ông Trịnh Thanh Huy cũng chính là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An (BTA), nổi tiếng với hàng loạt thương vụ đình đám như thâu tóm Vinafco, Beton 6, Descon… cùng các dự án bất động sản lớn như Đảo Kim Cương (vốn đầu tư hơn 400 triệu USD) và Metropolis Thảo Điền (hơn 600 triệu USD) tại TP.HCM. Ông là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh xây dựng tập đoàn Masan thành công tại Nga trước khi về Việt Nam.
Về Beton 6, sớm thành lập vào năm 1958, Công ty từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. Công ty cũng tiên phong chào sàn từ đầu năm 2002 và một thời gian dài được nhiều nhà đầu tư lớn (đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài) ưa thích.
Đáng chú ý, ông Trịnh Thanh Huy bắt đầu tham gia vào HĐQT của Beton 6 từ năm 2009 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay.
Đầu năm 2019, Beton6 đã thay đổi một số vị trí trong HĐQT, bao gồm việc miễn nhiệm ông Nguyễn Ngọc Dũng khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT (được bổ nhiệm vào đầu năm 2018) từ ngày 31/1/2019, bầu thay thế ông Phạm Văn Hiên.
Song song, Beton6 cũng bãi nhiệm bà Nguyễn Thị Hải Nam khỏi vị trí Thành viên HĐQT, thay thế là ông Nguyễn Ngọc Dũng từ ngày 31/3/2019. Tại thời điểm đó, HĐQT Beton 6 gồm 6 thành viên, bao gồm 4 người khác là ông Trịnh Thanh Huy, ông Sergei Savrukhin và ông Nguyễn Trọng Nghĩa.
Về kinh doanh, kể từ cú sa sút những năm 2010-2011, Beton6 gần như "biến mất" trên thị trường, tình hình kinh doanh cũng liên tục sa sút. Năm 2015, Beton 6 hủy niêm yết trên HoSE với lý do tập trung vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian sau đó tình trạng hoạt động Công ty càng thêm "bết bát", đến năm 2017 doanh thu tiếp tục giảm phân nửa và chính thức báo lỗ trước thuế 139 tỷ đồng.
Năm 2017 của Beton 6 nhận định công ty đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiếu hụt vốn, nguồn nhân lực không ổn định, các đối thủ trong ngành ngày càng mạnh, đặc biệt là đối thủ nước ngoài.
Đầu tháng 3/2017, cổ phiếu BT6 trở lại sàn UPCoM tuy nhiên thanh khoản rất thấp, hiện đang giao dịch tại mức giá 1.500 đồng/cp và gần như không có giao dịch. Mới đây, HNX vừa công bố các mã cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch do vi phạm về công bố thông tin BCTC bán niên 2019, trong đó có BT6 của Beton 6.