Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) năm 2024 đánh dấu sự phục hồi về sản lượng của thị trường thép xây dựng Việt Nam, khi sản lượng tiêu thụ ghi nhận mức tăng trưởng 15,8% theo năm.
Các sản phẩm thép dẹt cho hoạt động xây dựng (tôn mạ, ống thép) duy trì tăng trưởng sản lượng, ngoài từ nhu cầu nội địa còn ghi nhận tăng trưởng từ thị trường nước ngoài (Asean, Eu, Hoa Kỳ). Sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) tương đương so với năm 2023 do các hoạt động phòng vệ thương mại tại thị trường Eu trong nửa cuối năm 2024 khiến sản lượng xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Về thị phần thép xây dựng, Tập đoàn Hoà Phát đã gia tăng thị phần từ mức 38%, so với 35% trong 2023 nhờ tăng sản lượng tại các các dự án hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Thị phần tôn mạ có xu hướng giữ ổn định, với các công ty có thị phần lớn nhất gồm Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim và Tôn Đông Á.
VDSC kỳ vọng sản lượng thép nội địa sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025, nhờ thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi thúc nhu cầu xây dựng dân dụng và đẩy mạnh các dự án đầu tư công (thời điểm một số dự án quan trọng cần hoàn thành trong giai đoạn 2025-2026).
Trong kịch bản cơ sở mà VDSC đưa ra, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng dự kiến đạt 10,7 triệu tấn tăng 7% theo năm, trong đó sản lượng nội địa dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng 10% theo năm.
Các công ty sản xuất thép dẹt (HRC, tôn mạ) ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng xuất khẩu tích cực trong nửa đầu 2024, tuy nhiên, khiến một số thị trường nhập khẩu lớn là Eu,Hoa Kỳ lo ngại và thực hiện các biện pháp điều tra chống bán phá trong nửa cuối năm.
“Chúng tôi cho rằng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2025, song với các hoạt động điều tra với các sản phẩm thép từ Việt Nam, sản lượng xuất khẩu khó có thể duy trì ở mức cao như trong 2024. Trong kịch bản cơ sở, sản lượng tôn mạ tiêu thụ dự kiến đạt 5,2 triệu tấn (tương đương 2024, với sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm 5% theo năm), trong đó tỷ trọng xuất khẩu đạt 52% (so với mức 56% trong 2024)”, báo cáo mới đây của VDSC nhận định.
Bên cạnh đó, sau giai đoạn Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép lên mức trên 80 triệu tấn/năm (tương ứng với giai đoạn 2014-2015, thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước do thừa cung), bởi thế, nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc sẽ hồi phục, đến từ các chính sách (tài khóa và tiền tệ) để hỗ trợ thị trường bất động sản và nền kinh tế.
Với việc sản lượng xuất khẩu giảm cùng mức tồn kho thấp, giá thép Trung Quốc kỳ vọng sẽ có sự hồi phục rõ ràng hơn trong năm 2025. Đây cũng là tiền đề để các nước lân cận, bao gồm Việt Nam có thể ghi nhận mức hồi phục về giá trong giai đoạn 2025 trở về sau.
Cụ thể, giá thép HRC tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam lần lượt có thể hồi phục về 530USD/tấn tăng 4% theo năm và 560 USD/tấn, tăng 3,5% theo năm.
Về quặng sắt, sau giai đoạn giá nguyên vật liệu giảm10% trong năm 2024, do nhu cầu yếu của ngành thép, đặc biệt tại Trung Quốc, VDSC kỳ vọng năm 2025
giá nguyên liệu sẽ ghi nhận sự phục nhẹ, khi kỳ vọng nhu cầu hồi phục. Theo đó, giá quặng sắt giao dịch dự kiến ở mức 115 USD/tấn, tăng 2% theo năm, thấp hơn so với mức tăng thành phẩm, do mức tồn kho cao tại Trung Quốc.