Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2025?

Các chuyên gia PSI cũng đưa ra gợi ý 7 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 là ngân hàng, dầu khí, xây dựng – đầu tư công, bất động sản, thép, phân bón, bán lẻ...

Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2025?

Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2025 với dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bắt đầu quay trở lại một chu kỳ tăng trưởng mới khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất vừa qua.

Chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ hướng tới giao dịch trong vùng 1.297 – 1.449 điểm khi dòng tiền quay trở lại tìm kiếm kênh đầu tư hấp dẫn với tỷ suất sinh lời tốt. Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể tiến lên vùng 1.378 - 1.535 khi dòng tiền nước ngoài quay trở lại mạnh mẽ sau chuỗi bán ròng liên tục kỷ lục.

Tại báo cáo, các chuyên gia PSI cũng đưa ra gợi ý 7 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Bắt đầu với lĩnh vực ngân hàng, nhóm phân tích cho rằng, chất lượng tài sản ngành ngân hàng bắt đầu cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu giảm. Tăng trưởng kinh tế vững vàng và mặt bằng lãi suất duy trì thấp khiến cho nhu cầu vay vốn tăng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng.

anh-chup-man-hinh-2024-12-17-luc-214857.png
Nguồn: PSI

“Chúng tôi dự báo NIM của các ngân hàng thương mại có thể nới rộng trong năm 2025 khi các nhà băng nâng dần mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng có nhiều cơ hội để gia tăng ở hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ, kinh doanh ngoại hối và vàng; trong khi hoạt động Bancassuarance vẫn chưa hồi phục”.

Ở nhóm dầu khí, trong năm 2025, giá dầu được dự báo sẽ dao động quanh ngưỡng 70-80 USD/thùng, mức giá này vẫn mang lại lợi nhuận đối với các doanh nghiệp khai thác và có thể hỗ trợ phần nào sự phục hồi chung của nền kinh tế thế giới. Đây là kịch bản giá dầu cơ sở trong trường hợp căng thẳng tại Trung Đông không tiếp tục leo thang.

anh-chup-man-hinh-2024-12-17-luc-215022.png
Nguồn: PSI

Cùng với đó, khu vực thượng nguồn tiếp tục là điểm sáng của ngành dầu khí nhờ nhiều dự án dầu khí trong nước có những diễn biến tích cực: Dự án Lạc Đà Vàng: Murphy Oil (Mỹ) đã đưa ra FID cho dự án này vào tháng 11/2023; Dự án Nam Du – U Minh: Tháng 1/2024, Jadestone Energy đã ký thỏa thuận khung với PV Gas liên quan đến việc mua bán khí; Dự án Lô B: 18/9/2024, PVN thông báo dự án Lô B - Ô Môn đã chính thức khởi công xây dựng, các gói thầu EPCI 1 và EPCI 2 thuộc khâu thượng nguồn được triển khai. Điều này cũng hàm ý FID đối với đại dự án sắp được chính thức thông qua.

Về ngành đầu tư công, nhóm chuyên gia PSI dự báo năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Các dự án có sử dụng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ để đáp ứng mục tiêu giải ngân của Chính phủ.

Dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 vẫn đang bám sát kế hoạch. Tình hình triển khai các đoạn cao tốc thành phần trong dự án khả quan hơn so với giai đoạn 1, cơ bản đã hoàn thành xong khâu giải phóng và san lấp mặt bằng dù vẫn còn những khó khăn nhất định liên quan đến việc thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng.

anh-chup-man-hinh-2024-12-17-luc-215110.png
Nguồn: PSI

Tiếp tục tăng tốc đẩy mạnh Dự án Sân bay Long Thành trong năm 2025. Theo thông tin PSI mới cập nhật, gói thầu lớn nhất – nhà ga hành khách đến nay đã đạt hoàn thành 100% phần móng, tiến độ thi công tổng thể vượt 10 ngày. Các gói thầu lớn khác trong Dự án như gói thầu 4.6 – đường cất, hạ cánh đường lăn, sân đỗ, và gói thầu 6.12 – đường kết nối T1, T2 cũng đạt lần lượt 30% và 55% giá trị hợp đồng.

Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa. Tổng mức đầu tư sơ bộ cho dự án này là 67,34 tỷ USD.

Tại nhóm ngành thép, thị trường trong nước đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt khi sản lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ, giá bán cũng đã bật tăng kể từ đầu quý 4. Bên cạnh đó, mùa cao điểm cuối năm của ngành xây dựng cũng tạo ra sức mua đáng kể đối với các sản phẩm thép.

Trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều trở ngại khi một số quốc gia/khu vực áp dụng các biện pháp bảo hộ ngành thép nội địa, khả năng phục hồi của thị trường trong nước sẽ là động lực chính cho đà tăng trưởng của ngành trong thời gian tới.

anh-chup-man-hinh-2024-12-17-luc-215150.png
Nguồn: PSI

Ngoài ra, quyết định áp thuế chống bán phá giá của Bộ Công thương đối với một số nhà sản xuất thép Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ giúp ngành thép trong nước được vận hành một cách lành mạnh và ổn định hơn, nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi

Ở nhóm ngành phân bón, đội ngũ phân tích của PSI nhận định triển vọng tăng trưởng ngành phân bón dựa trên các yếu tố: Luật thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón chính thức được thông qua giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa tăng tính cạnh tranh; Thị trường phân bón trong nước dự báo sôi động hơn từ cuối năm 2024 nhờ bắt đầu vào vụ mùa cao điểm Đông Xuân và điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp khi El Nino kết thúc; Giá nguyên liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức thấp hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Xét về nhóm ngành bán lẻ, dữ liệu từ PSI cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2024 đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ nếu loại trừ yếu tố giá, chậm hơn mức tăng trung bình 7% giai đoạn 2019 – 2023.

anh-chup-man-hinh-2024-12-17-luc-215308.png
Nguồn: PSI

Điểm tích cực là chỉ số PMI nhiều tháng liền đạt trên ngưỡng 50 cho thấy các điều kiện kinh doanh và lượng đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp sản xuất liên tục cải thiện.

Triển vọng tăng trưởng ngành được hỗ trợ bởi các yếu tố: Niềm tin tiêu dùng cải thiện nhờ vào sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và các chính sách thiết thực kích cầu tiêu dùng nội địa; Bách hóa - Hàng tiêu dùng nhanh dẫn đầu xu hướng bán lẻ; Kênh thương mại điện tử tiếp đà tăng trưởng, dự kiến đóng góp 10% tổng doanh thu bán lẻ.

Trong khi đó, những điểm sáng ngành bất động sản sẽ tới từ nguồn cung mới còn hạn chế tiếp tục là cơ hội với những doanh nghiệp có dự án đủ điều kiện pháp lý, nền tảng tài chính.

Bên cạnh đó, Bộ 3 luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản) chính thức áp dụng từ 8/2024 sẽ tạo ra cơ hội mới với thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường hồi phục nhờ những thay đổi mang thiên hướng tích cực so với bộ luật cũ bởi quy định minh bạch, rõ ràng hơn đáng kể các quy định trong các văn bản pháp luật, tạo điều kiện tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý phổ biến hiện tại, xây dựng một khung rõ ràng cho các quy trình pháp lý, hạn chế tình trạng các cơ quan có cách thực hiện khác nhau và mang đến rủi ro cho dự án, doanh nghiệp và đơn vị Nhà nước khi dự án bị thanh tra.

Từ những phân tích nêu trên, nhóm phân tích của PSI cũng khuyến nghị đầu tư vào các cổ phiếu đầu ngành như: ngân hàng (VCB, ACB, TCB, VPB); dầu khí (cổ phiếu thượng nguồn là PVD, PVS và trung nguồn PVT cùng “ông lớn” BSR); xây dựng – đầu tư công (VCG, CTD); bất động sản (NLG, VHM); thép (HPG, NKG, HSG); phân bón (DCM); bán lẻ (MWG, PNJ).

Xem thêm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...

Có thể bạn quan tâm

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

MSVN kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ vào sự bứt phá lợi nhuận 17,1% và thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng trưởng này...