Bước sang năm 2025 với nhiều biến động về chính trị, kéo theo những chính sách mới mà Mỹ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu của các nước, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước những diễn biễn mới tác động trực tiếp đến hàng hóa Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Về xuất siêu, Việt Nam đang xếp sau Trung Quốc và Mexico tại thị trường này.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý 4 năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, khi Tổng thống Donald Trump đắc cử dự kiến sẽ có nhiều chính sách thương mại mới giai đoạn tới.
Để đạt mục tiêu của Hoa Kỳ là giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư với công cụ cổ điển là thuế quan, thực tế, Hoa Kỳ đã áp thuế cao với hàng hoá từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU… Trước đây, những chính sách thuế quan của Hoa kỳ đối với hàng hóa Việt Nam chưa có ảnh hưởng lớn. Nhưng bước vào năm 2025, Bộ Công Thương đã tính toán 2 kịch bản đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này:
Kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Khi đó, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam có thể ảnh hưởng. Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Hoa Kỳ và tạo sức ép với nước ta.
Đối với kịch bản thứ hai phần nào sẽ có tác động tiêu cực đến hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hoá thị trường trong thời gian tới.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD. Thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ thị trường Việt Nam.
Trong đó riêng với nông lâm thuỷ sản, Hoa Kỳ hiện chiếm thị phần 21,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau 11 tháng. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 24,6%.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, trong 3 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang thị trường này tăng 30 - 45% mỗi năm. Trong khi tốc độ tăng trưởng mặt hàng này tại EU bình quân 10 - 20% một năm. Vì vậy, Hoa Kỳ thực sự là thị trường tiềm năng cho hoa quả, trái cây của Việt Nam.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn nhập khẩu nhiều nhóm mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày… Lợi thế của hàng hoá Việt Nam chính là chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với kim ngạch tăng cao, số vụ phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ với hàng xuất khẩu Việt Nam có chiều hướng tăng theo. Theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), Hoa Kỳ là nước điều tra phòng vệ thương mại lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam.
Riêng 11 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 11 vụ việc với Việt Nam. Sản phẩm bị điều tra bởi Hoa Kỳ cũng ngày càng đa dạng. Từ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu rất lớn như pin năng lượng mặt trời (trị giá xuất khẩu 4,2 tỷ USD), tủ gỗ (2,7 tỷ USD) đến những mặt hàng giá trị rất thấp như khay đúc màng sợi (50 triệu USD) hay đĩa giấy (9 triệu USD) cũng trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.