Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19), Bộ này vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp.
Đó là, yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện các Nghị quyết 19, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ này; đồng thời, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng tất cả các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, đề xuất cắt giảm 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành trong quý II/2018; thực hiện kết nối bắt buộc tất cả các thủ tục hành chính đã đăng ký qua Cổng thông tin một cửa quốc gia…
Theo báo cáo của Bộ này, tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ đã được thể hiện rõ ràng ở hầu hết các Bộ; trong đó có sự khác biệt so với trước và có tác động thực sự đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên.
Chất lượng môi trường kinh doanh quốc gia và địa phương cải thiện hơn, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và do vậy chắc chắn góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Tuy nhiên, sự quan tâm và mức độ quyết liệt chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành và địa phương. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, nhất quán, thường xuyên và liên tục, nhưng tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn phổ biến.
Bởi vậy, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết, đem lại kết quả toàn diện và đồng bộ cần có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương.
Đáng chú ý là, những tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19 cũng là những địa phương có cải thiện tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, điển hình là Quảng Ninh, Đồng Tháp,…. Bên cạnh đó, kết quả PCI 2017 cũng cho thấy những cải cách của các Bộ, ngành cũng đã được hiện thực hoá ở cấp địa phương. Ví dụ như thời gian tiếp cận điện năng, thời gian gián đoạn cung ứng điện giảm đáng kể. Chi phí không chính thức, nhũng nhiễu đã hạn chế nhiều, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực.
Theo Báo cáo, trong quý I/2018, cải cách quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã đạt được một số kết quả.
Trong đó, kết quả đáng kể nhất trong cải cách quản lý chuyên ngành là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý an toàn thực phẩm, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và cũng khắc phục được sự chồng chéo, nhiều tầng nấc quản lý trong thủ tục liên quan tới an toàn thực phẩm. Những thay đổi này đã giúp giảm gánh nặng về thời gian và chi phí đáng kể cho doanh nghiệp./.