Đề xuất dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc với đường cát nhằm ngăn chặn buôn lậu

Việc dán tem đường nhập khẩu do doanh nghiệp tự thực hiện ngay tại khu vực cửa khẩu, dưới sự giám sát của cơ quan hải quan và trước khi thông quan hàng hóa.
Đề xuất dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc với đường cát nhằm ngăn chặn buôn lậu

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường. Việc dán tem điện tử được kỳ vọng góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, giúp ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát.

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ có xu hướng gia tăng. Trong đó, mặt hàng đặc biệt gia tăng mạnh được điểm tên là đường cát.

Một số lượng lớn đường cát nhập lậu vẫn đang tràn vào Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cơ quan Hải quan đã phát hiện xử lý tới 42 vụ buôn lậu đường lên đến hàng trăm tấn. Nhiều chiêu trò đã được các đối tượng thực hiện để qua mắt các cơ quan chức năng như chuẩn bị sẵn hóa đơn chứng từ, quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa các lô hàng buôn lậu đường. Hay in sẵn bao bì nhãn mác chữ Việt Nam đem sang nước bạn đóng hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.

Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết đường nhập lậu đang bán giá rẻ hơn so với đường trong nước từ 2.000 - 3.000 đồng, lại không phải đóng thuế, khiến đường trong nước không cạnh tranh được, gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam.

Đáng chú ý, từ sau khi áp dụng thuế chống bán phá cho đường mía xuất xứ Thái Lan, số lượng đường xuất khẩu từ Lào sang nước ta đã tăng mạnh, khoảng 60 lần so với cùng kỳ.

Trước thực trạng trên, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường. Việc dán tem điện tử được kỳ vọng góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, giúp ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát.

Đại diện Tổng cục Hải quan - đơn vị nghiên cứu đề án "Dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc với đường mía" cho biết, việc dán tem sẽ căn cứ vào trọng lượng của sản phẩm. Đối với bao đường đóng gói từ 20kg trở lên, sẽ áp dụng tem điện tử sử dụng công nghệ RFID. Tem này sẽ được dán ở 2 đầu của bao đường.

Đối với bao đường đóng gói dưới 20kg sẽ áp dụng tem điện tử gắn mã QR Code. Tem này có thể in dưới dạng giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì đóng gói sản phẩm.

Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng, việc dán tem truy xuất mặt hàng đường là hoàn toàn cần thiết. Tem dán lên bao đường không chỉ đơn giản là phân biệt đường trong nước, nhập khẩu, hay đường lậu mà còn phải đáp ứng được việc truy xuất các dữ liệu.

Hiện nay, Hiệp hội mía đường Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan chức năng để thiết kế tem dán điện tử truy xuất nguồn gốc cho mặt hàng đường. Việc dán tem này được kỳ vọng không chỉ phòng chống được tình trạng đường nhập lậu, mà còn giúp phòng chống tình trạng quay vòng hồ sơ đấu giá đường nhập lậu.

Có thể bạn quan tâm