Đề xuất mới về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh
Đề xuất mới về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, trên thực tế thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP còn phát sinh một số vướng mắc chủ yếu đối với quy định trong việc thoái vốn nhà nước và vốn của DNNN đã đầu tư tại doanh nghiệp khác.

Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP. Cụ thể, đối với quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại doanh nghiệp khác. Để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, minh bạch thông tin, thống nhất khi ban hành quy chế đấu giá thực hiện chuyển nhượng vốn, dự thảo Nghị định bổ sung quy định.

"Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp khi cơ quan đại diện chủ sở hữu/DNNN thực hiện chuyển nhượng vốn phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn thực góp trong vốn điều lệ tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc mở, sử dụng tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan".

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định nguyên tắc về trách nhiệm của Hội đồng thành viên của DNNN và cơ quan đại diện chủ sở hữu theo hướng: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải quyết những tồn tại vướng mắc, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quá trình thực hiện chuyển nhượng vốn nước theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với quy định về xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác: Để phù hợp với quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn của Luật số 69/2014/QH13 (đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch); phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 (giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường cao nhất ngày hôm trước, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua, hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp xác định) và đảm bảo giá trị thu hồi vốn cao nhất, phản ánh đúng giá trị thực tế của vốn đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định về việc xác định giá khởi điểm đấu giá chuyển nhượng vốn tại dự thảo Nghị định (so với quy định của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP thì tính thêm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê vào giá khởi điểm vì người sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê có các quyền đầy đủ như đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai).

Nội dung sửa đổi cụ thể như sau: Việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn được thực hiện thông qua doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước/của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao, quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

Việc sử dụng giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức quy định tại Nghị định này phải đảm bảo nguyên tắc tối đa không quá 6 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn.

Có thể bạn quan tâm