"Chúng ta có đặc khu kinh tế Phú Quốc thì tại sao lại không có một "đặc khu ảo" cho các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nội dung số để có cơ chế phát triển?".
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp hơn một lần nhấn mạnh kiến nghị này tại sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam tại Hà Nội, hôm 22/11.
Cạnh tranh không bình đẳng
Theo ông Tân, nội dung số đang là lãnh địa quan trọng cuối cùng mà Việt Nam giữ được trên Internet. Bởi, các lãnh địa khác như tìm kiếm, e-mail, mạng xã hội... còn rất ít thị phần. Duy nhất một trường hợp đang mạnh là Zalo của VNG với lượng người dùng lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam vẫn đang chiếm được 40-50% thị phần trong nước.
Doanh thu trong lĩnh vực nội dung số hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, 1 tỷ USD này, theo ông Tân, ước lượng tương đương 5-8 tỷ USD xuất khẩu dệt may, vì giá trị thặng dư thu được từ nội dung số lớn hơn nhiều.
Và nếu nội dung số tiếp tục phát triển, doanh thu có thể tăng lên tới 5-10 tỷ USD, tương đương với những ngành kinh tế quan trọng nhất của đất nước.
Ngành nội dung số đang có khoảng 10.000 nhân viên làm việc chính thức, cộng với khoảng 10.000 cộng tác viên, nhưng xu hướng sẽ tăng mạnh lên 500 nghìn - 1 triệu nhân sự. "Đây là mảng kinh doanh cực kỳ quan trọng, chúng ta có chủ quyền, có lợi thế địa phương, các doanh nghiệp xuyên biên giới không thể lấn át được", Tổng giám đốc VCCorp nói.
Tuy nhiên, theo ông, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang bị cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng trước các doanh nghiệp xuyên biên giới, vì họ đang không bị ràng buộc những chế tài ngăn chặn nội dung độc hại tại Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt thì chịu rất nhiều ràng buộc.
Ông nhấn mạnh: "Doanh nghiệp ngoại được thoáng tay còn mình bị trói tay, đây là thiệt thòi và khó khăn nhất của doanh nghiệp trong nước".
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần VNG cũng cho rằng, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang không được cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
Cần có "đặc khu ảo"
Tham gia tọa đàm cùng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, hiện đang có tình trạng "bảo hộ ngược" cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Về định hướng, ông Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tìm cách để có những chính sách phù hợp, cởi mở hơn. "Chúng ta không cấm doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhưng phải đưa ra các chính sách để tạo bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước", ông nói.
Ông ví dụ như chuyện các nhà mạng có những gói cước rất rẻ tạo điều kiện cho Facebook, Youtube, hay doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ (server) miễn phí, trong khi doanh nghiệp trong nước thì phải thuê mất tiền, chịu quản lý chặt chẽ hơn.
Theo ông Lê Hồng Minh, các doanh nghiệp công nghệ, nội dung số Việt Nam phải chấp nhận một thực tế, trên môi trường Internet sẽ không có ranh giới và trong tương lai cũng vậy. Sẽ chỉ còn khái niệm sân chơi Internet chung cho các doanh nghiệp, và doanh nghiệp phải hành xử như thế nào trong thị trường đó để tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở thời điểm hiện tại, theo ông Minh, là làm sao phải tìm giải pháp để các doanh nghiệp hiểu rằng, nếu không có sự đối thoại, làm việc, hợp tác giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, thì doanh nghiệp nội sẽ thua trên sân nhà trước các "ông lớn" từ bên ngoài.
Để dung hòa giữa quản lý và tháo gỡ, để tạo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp công nghệ, nội dung số phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Tân đã đưa ra một kiến nghị gây chú ý, là lập "đặc khu ảo" cho các doanh nghiệp công nghệ, nội dung số.
Theo ông Tân, doanh nghiệp nào có đủ tiêu chuẩn (như chứng minh hoạt động lành mạnh, nghiêm túc…) thì cho vào "đặc khu ảo". Vào đây, doanh nghiệp sẽ được hưởng cơ chế quản lý thoáng hơn, như về điều kiện giấy phép, chế tài...
Trong "đặc khu ảo", doanh nghiệp sẽ có điều kiện sử dụng mọi nguồn lực để phát triển, mà không phải bị ràng buộc bởi những quan niệm, cơ chế quá cũ nữa, ông Tân đề xuất.
Về nguyên nhân của đề xuất "đặc khu ảo", ông Tấn nhấn mạnh điều này một phần xuất phát từ sự thông cảm với khó khăn của các nhà quản lý. "Nếu nới lỏng quy định thì có thể nhiều anh lại làm bậy, gây hại cho môi trường văn hóa. Nhưng nếu giữ chặt quá thì doanh nghiệp nghiêm túc lại bị bó tay, khó sáng tạo", ông nói.
"Vậy nên mới cần cơ chế đặc khu, để vừa quản lý được, nhưng vẫn phát triển được".
Theo Vneconomy.vn