Đề xuất tăng tần suất bay Hà Nội - TP.HCM lên 6 chuyến khứ hồi/ngày

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất đường bay Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TPHCM khai thác tối đa 6 chuyến khứ hồi/ngày tới ngày 14/11, sau đó tăng lên 7 chuyến khứ hồi/ngày tới ngày 30/11.

Ngày 18/10, Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ về kết quả thí điểm mở lại vận tải khách trong 8 ngày trước đó và đề xuất kế hoạch cho giai đoạn sau thí điểm (ngày 21/10) tới hết ngày 30/11.

Với đường sắt, Bộ GTVT đề xuất giai đoạn từ ngày 21/10 tới hết 30/11, tăng tần suất tàu khách tuyến Hà Nội – TPHCM lên 4 đôi tàu/ngày; khôi phục 1 đôi tàu/ngày với tuyến Hà Nội – Vinh và Sài Gòn – Đà Nẵng; tăng tần suất lên 3 đôi tàu/ngày với tuyến Hà Nội – Hải Phòng.

Với hàng không, Bộ GTVT đề xuất giảm tiêu chuẩn với khách đi máy bay, tăng tần suất khai thác.

Cụ thể, với khách cư trú, lưu trú tại địa bàn nguy cơ dịch rất cao (cấp 4, vùng đỏ), Bộ GTVT đề xuất buộc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay.

Với các hành khách ở khu vực khác, không yêu cầu xét nghiệm với khách đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối ít nhất 14 ngày, không quá 12 tháng), hoặc đã điều trị khỏi COVID-19 không quá 6 tháng; hoặc có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nếu chưa đạt 2 điều kiện trên.

Đường bay Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TPHCM khai thác tối đa 6 chuyến khứ hồi/ngày tới ngày 14/11, sau đó tăng lên 7 chuyến khứ hồi/ngày tới ngày 30/11. Các đường bay khác không quá 4 chuyến khứ hồi/ngày.

Bộ GTVT cũng đề xuất sẽ tăng thêm tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày cho các đường bay có tỷ lệ khách mua vé đạt từ 75% trở lên sau ngày 15/11.

Để triển khai kế hoạch trên, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương ủng hộ mở lại hoạt động vận tải khách; công bố bản đồ cấp độ dịch bệnh tại địa phương; ưu tiên tiêm vắc xin cho lái và phụ xe khách, nhân viên đường sắt.

Với xe khách liên tỉnh, ngày 16/10, Bộ GTVT đã có quy định rõ ràng và áp dụng cho giai đoạn tiếp theo, phù hợp với vùng nguy cơ dịch bệnh.

Đánh giá kết quả triển khai nối lại vận tải khách liên tỉnh, Bộ GTVT cho hay, với đường bộ, từ ngày 13-18/10, đã có 48 địa phương đồng ý mở lại xe khách liên tỉnh; 15 địa phương đang chờ UBND tỉnh quyết định.

Thực tế, các doanh nghiệp đã khai thác 588 tuyến với hơn 1.000 chuyến xe khách kết nối 38 địa phương, chở 5.641 khách.

Với hàng không, từ ngày 10-17/10, các hãng đã khai thác 17/21 đường bay với 193/322 chuyến bay được cấp phép, chở tổng số 12.905 khách.

Với đường sắt, từ ngày 13-17/10, tuyến Hà Nội – TPHCM đã khai thác 2 đôi tàu/ngày (16 chuyến tàu), chở tổng số 9.651 khách (bình quân 603 khách/chuyến).

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng, nối lại 1 đôi tàu/ngày (10 chuyến), chở 1.263 khách (bình quân 126 khách/chuyến).

Theo Bộ GTVT, dù Bộ Y tế đã công bố tiêu chuẩn xếp loại các vùng nguy cơ dịch bệnh (theo 4 cấp), nhưng nhiều địa phương chưa công bố, chưa có bản đồ cấp độ dịch bệnh chung trên toàn quốc. Điều này dẫn tới việc tổ chức chở khách đi/đến các địa phương còn khó khăn, áp dụng các quy định chưa thống nhất...

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...